Dân chài ổn định cuộc sống
Ông Nguyễn Văn Thanh (khu phố 1, thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hóa) hơn nửa đời người chìm nổi trên sông nước. Người đàn ông không nhớ nổi đã bao nhiêu thế hệ trong gia đình làm nghề chài lưới, chỉ biết rằng, mấy chục năm nay, 5 nhân khẩu trong nhà vẫn bám mặt vào sông Chu để kiếm ăn từng bữa.
Chiếc thuyền cũ kỹ, có tuổi gần bằng đời người là tài sản duy nhất vợ chồng ông được thừa hưởng từ cha mẹ sau khi kết hôn. Đó cũng là nơi duy nhất 5 nhân khẩu trong gia đình ông Thanh tá túc suốt nhiều năm. Nói là tài sản cho to tát chứ vợ chồng ông từ khi cưới đến nay chả có gì đáng giá ngoài mấy bộ áo quần cũ sờn, vắt tứ tung trong boong thuyền và mấy cái nồi niêu, xoong chảo để lổn ngổn trên sàn.
Ông Thanh kể, vất vả nhất là những ngày mưa bão, dân chài từ người già đến trẻ nhỏ bám trụ trên khoang thuyền chật chội để tránh trú. Khi sóng to, gió lớn, các thuyền thả neo gần bờ, kết lại với nhau bằng dây thừng để tránh trôi theo dòng nước.
Dù làm lụng vất vả quanh năm, nay đây mai đó, thế nhưng cuộc sống của gia đình ông Thanh và dân chài vẫn không khá nổi. Xóm chài ven sông bao năm vẫn không điện, không đường, không nước sạch, người dân không có việc làm ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào con cá, con tôm kiếm được trong ngày. Bởi vậy, cảnh đói nghèo, thất học cứ bám riết lấy dân chài hết thế hệ này sang thế hệ khác. Số phận của họ cứ lênh đênh, vô định như con nước.
Người đàn ông ấy và làng chài ở huyện Thọ Xuân chưa bao giờ dám nghĩ cuộc đời có thể đổi phận. Thế rồi…
Thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa về đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, tháng 4/2022, tỉnh Thanh Hóa ra chủ trương cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông lên bờ để ổn định cuộc sống. Địa phương phấn đấu đưa đồng bào lên bờ trước mùa mưa bão năm 2023.
Để đưa các hộ dân chài lên bờ, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tạo quỹ đất, xây dựng các mặt bằng tái định cư, thực hiện các thủ tục cấp đất không thu tiền cho người dân chài. Chỉ sau thời gian ngắn, hàng chục lô đất ở những vị trí thuận lợi, gần đường, gần chợ, gần trường học được bàn giao cho các hộ dân chài để khởi công làm nhà.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ kinh phí trợ 50 triệu đồng, Tòa Giám mục Thanh Hóa cũng hỗ trợ 50 triệu đồng; đồng thời vận động thêm các tổ chức, các nhà hảo tâm để cùng chung tay, góp sức xây nhà, giúp đồng bào sinh sống trên sông “an cư, lạc nghiệp”.
Năm 2023, gia đình ông Thanh và nhiều người dân làng chài tại huyện Thọ Xuân chính thức được cấp đất và hỗ trợ xây nhà. Trong căn nhà kiên cố, người đàn ông không khỏi xúc động khi giấc mơ an cư của bao thế hệ trong gia đình đã thành hiện thực.
“Lên bờ không còn gì sướng bằng. Lũ trẻ được học hành, được tạo công ăn việc làm và có thu nhập. Vợ chồng con cái không còn chịu cảnh thấp thỏm mỗi khi mưa bão đến. Nếu không có sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Quỹ Caritas, không biết đến khi nào chúng tôi mới thay đổi được số phận mình”, ông Thanh xúc động.
Theo kết quả rà soát, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 64 hộ đồng bào sinh sống trên sông với 249 nhân khẩu, trong đó, có 36 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở (34 hộ được cấp đất và 2 hộ tự mua đất). Sau thời gian triển khai chủ trương đưa người dân chài lên bờ, ổn định cuộc sống, đến cuối năm 2023, các hộ đã xây dựng xong nhà ở, với diện tích từ 56,7 – 200m2/hộ, trong đó, kinh phí hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa là 1,8 tỷ đồng (50 triệu đồng/nhà), Quỹ Caritas hỗ trợ 1,8 tỷ đồng (50 triệu đồng/nhà), huyện Thọ Xuân hỗ trợ 180 triệu đồng cùng với đó là kinh phí hỗ trợ của các xã, thị trấn và các nhà hảo tâm, của anh em dòng họ. Tổng số tiền hỗ trợ, ủng hộ trên 12 tỷ đồng.
Để giúp các hộ dân chài tái định cư, sớm ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, như bố trí đất sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong độ tuổi; đảm bảo các chính sách về bảo hiểm y tế; quan tâm, hỗ trợ việc học cho các em trong độ tuổi đến trường…
Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa có đồng bào sinh sống trên sông đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí cấp đất ở và hỗ trợ làm nhà cho 183 hộ với tổng kinh phí khoảng 71 tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng gần 19 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà hơn 52 tỷ đồng.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong 2 năm 2024 – 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu vận động để hỗ trợ xây dựng 5.000 căn nhà ở trở lên cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở với mức hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi căn. Với các hộ được hưởng chương trình mục tiêu quốc gia thì mức vận động hỗ trợ 40 triệu đồng mỗi căn. Việc vận động được chia thành 2 đợt: đợt 1 từ tháng 4/2024 – 9/2024; đợt 2 từ 1/2025 – 4/2025.
Mức vận động đóng góp chia theo 3 mức: các hộ gia đình có mức sống trung bình trở lên ở các huyện, thị xã, thành phố mức vận động đóng góp tối thiểu 100 ngàn đồng/hộ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vận động đóng góp từ 1 ngày lương đến 1 tháng lương; đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mức vận động bình quân là 5 – 80 triệu đồng/năm.
Phát biểu tại hội nghị cho ý kiến vào phương án và mức vận động thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024 – 2025, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây cuộc vận động diễn ra trong thời gian ngắn, với nguồn lực huy động nhiều, vì vậy cần có sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, ông Lại Thế Nguyên đề nghị Ban thường vụ cấp huyện và các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội to lớn, tính nhân văn sâu sắc của cuộc vận động. Qua đó phát huy tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách, thể hiện tình cảm, trách nhiệm xã hội của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, người dân; đồng thời xác định rõ: Cuộc vận động này là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là Ban chỉ đạo và người đứng đầu.
Phấn đấu đến hết tháng 9/2024, các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan đơn vị hoàn thành kế hoạch vận động theo tinh thần các huyện miền xuôi, thành phố, thị xã, phải đồng thời làm 2 việc: làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời ủng hộ về tỉnh để xây dựng nhà cho người nghèo ở khu vực miền núi.
Với tinh thần nỗ lực cố gắng cao, toàn tỉnh Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành mức vận động như dự kiến để xây dựng thành công 5.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 – 2025, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Nguồn: nongnghiep.vn