Hàng chục năm nay, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chỉ cơ cấu sản xuất vụ lúa đông xuân, riêng vụ lúa hè thu đã trở thành vụ lúa tái sinh với diện tích trên 8.000ha.
Huyện Lệ Thủy cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân hạn chế vụ tái sinh và chuyển sang vụ hè thu. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này cũng không đáng kể. Do duy trì vụ tái sinh có năng suất thấp (giảm khoảng 3 tấn/ha), nên Lệ Thủy để sụt giảm khoảng 24 ngàn tấn lúa.
Từ 5 năm qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (HTX Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, Lệ Thủy), đã triển khai mô hình bỏ vụ tái sinh, gieo cấy vụ hè thu.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ cho hay, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì tư duy của bà con chưa muốn làm hè thu mà để vụ tái sinh, thứ hai là nạn chuột phá và rủi ro cao. “Để đả thông tư tưởng nông dân, chúng tôi đã mạnh dạn làm người đi trước”- ông Dũng nói.
Vụ hè thu đầu tiên, ông Dũng và những người bạn thuê lại 10ha ruộng của bà con rồi đầu tư hệ thống rào chắn bằng nilon để ngăn chuột và đưa ra phương án thâm canh lúa phù hợp với địa phương.
Ông Dũng cho hay: “Vụ hè thu năm đó, anh em chúng tôi thu lãi được trên 20 triệu đồng/ha. Đó cũng là niềm tin cho bà con mạnh dạn vượt lên với tư duy mới để bỏ lúa tái sinh và gieo cấy hè thu”.
Để bà con an tâm hơn, HTX Xuân Bồ đã liên kết với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình sản xuất giống lúa mới trong vụ hè thu và bao tiêu sản phẩm. Những vụ lúa thắng lợi liên tiếp đã chinh phục bà con và dần dần diện tích lúa tái sinh đã không còn trên cánh đồng.
Đến nay, gần như toàn bộ diện tích lúa trên 120ha của HTX Xuân Bồ đã trở thành cánh đồng 2 vụ lúa chắc ăn. Hằng năm, HTX luôn duy trì đội xử lý nạn chuột và hỗ trợ ban đầu cho bà con hệ thống “đê bao” ngăn chuột, đảm bảo cho vụ lúa không bị thất bát.
“Chúng tôi luôn đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Hiện thì cơ cấu chính vẫn là giống LTH31 và Xuân Mai. Đây là những giống năng suất, chất lượng và dễ tiêu thụ trên thị trường”- ông Dũng cho hay.
Kế hoạch sản xuất của HTX Xuân Bồ cũng linh hoạt để phù hợp trên cơ sở gieo cấy theo lịch chung của huyện. Lúc thu hoạch vụ đông xuân là Xuân Bồ tổng lực đẩy mạnh để rút ngắn thời gian.
Đẩy nhanh thu hoạch và thu hoạch đến đâu, máy làm đất làm luôn tới đó. “Chúng tôi huy động máy móc để rút ngắn thời gian thu hoạch và làm đất để sớm gieo cấy vụ hè thu. Như vậy, khi thu hoạch hè thu là Xuân Bồ rút thời gian sớm hơn được từ 7-10 ngày. Thời gian đó nông dân tránh được rủi ro của thời tiết, tránh được chuột phá, đảm bảo cho hạt lúa trên đồng chắc ăn”- ông Dũng chia sẻ thêm
Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Diện, một nông dân ở Xuân Bồ trên cánh đồng, khi ông đang vận chuyển lúa về sân phơi để bán cho thương lái. Ông Diện cho hay, gia đình có gần 10ha ruộng, trước đây là tái sinh thì cứ may thì được ăn, rủi thì mất trắng. “Chỉ có thu nhập nhờ vào vụ đông xuân”- ông Diện nói.
Từ khi làm vụ hè thu, thu nhập của gia đình ông Diện tăng thêm nhiều lắm. Ông Diện bảo, đồng lúa Xuân Bồ 5 năm nay chưa biết mất mùa là gì. Năng suất trung bình của vụ đông xuân là trên 70 tạ/ha, vụ hè thu là trên 60 tạ/ha.
“Không chỉ gia đình tôi , mà bà con ở đây đều có mức lãi 40 triệu đồng vụ đông xuân và 30 triệu đồng vụ hè thu. Trung bình hằng năm nông dân chúng tôi có lãi trên 70 triệu đồng/ha đó”- ông Diện hồ hởi nói.
Đi thăm lúa trên đồng trước khi cho bà con thu hoạch, ông Trần Văn Dũng cũng trao đổi với mọi người cho kế hoạch đưa dần diện tích lúa vào sản xuất hữu cơ để bồi bổ cho cánh đồng và tăng hiệu quả sản xuất. “Năm sau, chúng tôi sẽ cùng bà con quy hoạch vùng lúa để đưa dần diện tích vào sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau đó, rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng”- ông Dũng nói thêm.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ: “Hàng năm, Hợp tác xã chúng tôi thực hiện tốt các dịch vụ cho xã viên với tổng doanh thu gần 3 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Lợi nhuận lớn nhất của chúng tôi là các khoản chi phí cho kiến thiết ruộng đồng mà bà con xã viên không phải đóng góp”.
Nguồn: nongnghiep.vn