Thôm Mòn – xã vùng cao thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, từng chìm trong khó khăn với những trận ngập lụt vào mùa mưa hay tình trạng khô hạn vào mùa đông. Những cánh đồng bỏ hoang, cuộc sống bấp bênh, và sự xâm lấn của “cái chết trắng” đã từng là hình ảnh đặc trưng của bản làng nơi đây.
Bản Thôm bao gồm 2 bản nhỏ là Thôm 1 và Thôm 2, nổi tiếng với sự hoang vắng và đầy hiểm nguy, gắn liền với biệt danh “lãnh địa ma túy”. Thiếu nguồn nước canh tác do khô hạn khiến người dân rơi vào cảnh không có việc làm, bất lực. Nhưng, từ khi có sự xuất hiện của công trình thủy lợi Phai Chúa, bản làng dần chuyển mình.
Được xây dựng từ năm 2019, đập Phai Chúa là công trình cấp IV với chiều dài 20m và chiều cao 2,5m, cùng hệ thống kênh mương dài gần 1,4km. Đây là nguồn cung cấp nước tưới tiêu quan trọng cho 249 hộ dân thuộc hai bản Thôm 1 và Thôm 2, với diện tích tưới tiêu đạt 26,44ha lúa hai vụ và gần 0,4ha nuôi trồng thủy sản.
Ông Lò Văn Loan, trưởng bản Thôm 1, chia sẻ rằng từ khi công trình đi vào hoạt động, người dân trong bản không còn lo lắng về tình trạng thiếu nước, đặc biệt trong mùa khô. Hệ thống kênh mương được thiết kế khoa học với các phai chắn di động, cho phép điều tiết nước linh hoạt và hiệu quả.
Vào thời điểm cần tưới, các phai gỗ được lắp kín tại các kẽ hở của đập để nâng mực nước, dẫn dòng nước vào kênh mương tưới cho đồng ruộng. Ngược lại, vào mùa mưa lũ, các phai chắn được tháo ra hoàn toàn, đồng thời hệ thống kênh mương được chặn lại để ngăn nước tràn về khu vực sản xuất, đảm bảo an toàn.
Với nguồn nước ổn định, người dân bản Thôm đã phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nếp N87 và nếp N97 – hai giống lúa cho năng suất và chất lượng cao. Theo bà Lương Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, gọi là lúa 2 vụ, nhưng trước bà con chỉ trồng được 1 vụ, nhiều khi thiếu nước tưới tiêu, không có cách nào để kéo được nước về, nhưng giờ đây không chỉ đáp ứng tiêu chí 2 vụ, mà bà con còn trồng thêm vụ 3 (chủ yếu là rau màu hay rau ăn hàng ngày); chủ động trong việc điều tiết nguồn nước phù hợp so với thời vụ.
Công tác quản lý và duy trì các đập thủy lợi đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo hiệu quả vận hành và sử dụng lâu dài. Tổ cơ sở tại bản được giao trọng trách quản lý, thường xuyên kiểm tra tình trạng kênh mương, báo cáo kịp thời khi phát sinh sự cố, đồng thời tổ chức dọn dẹp, khơi thông dòng chảy để giữ cho công trình luôn trong tình trạng tốt nhất.
Sau mỗi đợt mưa lũ, bà con chung tay sửa chữa các phai tạm, vệ sinh đập nhằm xử lý phù sa bồi lắng và khơi thông dòng nước. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa công tác quản lý và bảo trì, hệ thống thủy lợi luôn vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp.
Công trình đập Phai Chúa đã mở ra một trang mới cho bản làng nghèo thuộc xã Thôm Mòn. Những cánh đồng từng bỏ hoang nay xanh mướt màu lúa hay các vụ rau, bà con tích cực sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Nguồn: nongnghiep.vn