Giá trị sản xuất bình quân 153 triệu đồng/ha
Để thực hiện mục tiêu của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã đề ra phương châm hành động “Đoàn kết – Đổi mới – Quyết tâm”, hướng đến xây dựng ngành nông nghiệp “Thích ứng – Đặc thù – Bền vững”. Nhờ vậy năm 2024, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao.
Theo đó, dù khó khăn do hán kéo dài, dịch tả lợn châu Phi và cùng khó khăn chung của cả nước nhưng năm 2024, ngành nông nghiệp Ninh Thuận vẫn đạt giá trị sản xuất bình quân 153 triệu đồng/ha, tăng 9,2 triệu đồng/ha so với năm 2023, giá trị sản xuất tăng 4,81%, đứng đầu khu vực Duyên hải miền Trung, tăng trưởng giá trị gia tăng 4,79% – vượt 0,64% kế hoạch và đóng góp 25,5% vào GRDP của tỉnh.
“Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch nông thôn đạt 99,75%, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đáp ứng quy chuẩn địa phương đạt 97,52%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,15%. Đặc biệt, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV” ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận chia sẻ.
Cũng theo ông Cương, đến nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh từng bước phát triển ổn định cả về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả với thu nhập bình quân ước đạt 990 triệu đồng/ha đất canh tác, tốc độ tăng giá trị sản xuất 10,9% so với năm 2023 và đóng góp 14% vào tổng giá trị sản xuất năm 2024 của toàn ngành nông nghiệp tỉnh.
Trồng trọt thích ứng biến đổi khí hậu
Ninh Thuận là địa phương thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước tưới, nhưng với quyết tâm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch 1655/KH-UBND ngày 16/4/2024 về ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo đó năm 2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.786ha cây trồng, nhờ vậy đã đảm bảo nguồn nước tưới cho 83.983ha cây trồng ngắn ngày và cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Ninh Thuận đã cấp 27 mã số vùng trồng mới, nâng tổng mã số vùng trồng toàn tỉnh hiện có lên 57 mã số với diện tích trên 391ha; phát triển thêm 3 chuỗi liên kết, nâng tổng số lên 70 chuỗi liên kết trồng trọt.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã phát triển 5 liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trong đó tập trung hỗ trợ dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu định hướng xuất khẩu sang thị trường Halal do Công ty TNHH Nhật Thành Food chủ trì”, ông Đặng Kim Cương cho biết.
Theo ông Cương, trong năm 2024, dù bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 10 hộ chăn nuôi của 9 thôn, 6 xã thuộc 5 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam) nhưng đã nhanh chóng được khống chế. Ngay khi dịch bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh. Đảng ủy Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã kịp thời ban hành Nghị quyết nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng cán bộ chuyên ngành tham gia vào công tác phòng chống dịch.
“Nhờ sự hỗ trợ kịp thời hóa chất của trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của ngành chức năng và huy động tối đa nguồn lực địa phương để thực hiện hiệu quả công tác khoanh vùng, tiêu độc khử trùng nên đến nay, tình hình dịch cơ bản được khống chế, không để lây lan, không tái dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Kết thúc dịch, toàn tỉnh chỉ phải tiêu hủy 169 con heo so với tổng đàn heo của tỉnh gần 188.000 con, không phải lớn”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Thành lập mới 10 hợp tác xã nông nghiệp
Năm 2024, Ninh Thuận đã thành lập thêm 10 HTX nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 115 HTX nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình HTX nông nghiệp điển hình ngoài tỉnh, hỗ trợ 31 lao động trẻ về làm việc tại 26 HTX nông nghiệp.
Hiện toàn tỉnh Ninh Thuận đã đánh giá và xếp hạng 182 sản phẩm OCOP của 81 chủ thể, trong đó 30 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 152 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Thực hiện kế hoạch năm 2024, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức thẩm định 84 sản phẩm của 49 chủ thể để phân hạng sản phẩm OCOP.
Hầu hết sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đều được hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và đã cơ bản được đầu tư quầy giới thiệu và bán sản phẩm.
Công tác xây dựng NTM mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay vẫn đạt được những kết quả nhất định, ước kết thúc năm 2024 có 33/47 xã đạt chuẩn NTM, 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và công nhận xã Thành Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
“Đóng góp lớn nhất để ngành nông nghiệp Ninh Thuận tăng trưởng 4,81% là lĩnh vực sản xuất tôm giống và nông nghiệp công nghệ cao. Trong năm, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã phối hợp với ngành nông nghiệp Cà Mau tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu tôm giống. Thông qua hội nghị, đã có 10 biên bản hợp tác, biên bản ghi nhớ tiêu thụ tôm giống được ký kết, góp phần thúc đẩy tiêu thụ tôm giống của tỉnh tăng 12,2% so với năm 2023”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn