Ngày 9/12, Sở NN-PTNT Quảng Trị tổ chức hội nghị truyền thông về quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) và tổng kết đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tính đến năm 2025.
Cà phê là một trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị, được trồng tại huyện Hướng Hóa, chủ yếu là cà phê chè catimor với gần 4.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 3.600ha, năng suất bình quân 1,2 tấn nhân/ha, sản lượng bình quân 4.300 tấn nhân/năm. Đây là nguồn thu nhập chính của hơn 6.000 hộ dân với hơn 15.000 lao động.
Tuy nhiên, nhiều năm liền giá cà phê chạm đáy khiến những vườn cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng giảm mạnh. Năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã ban hành chính sách thực hiện đề án tái canh cà phê.
Sau 7 năm, tổng kinh phí thực hiện đề án tái canh cà phê của tỉnh gần 146 tỷ đồng (57% kế hoạch). Trong đó, nguồn hỗ trợ của nhà nước trên 7,4 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, thông qua các tổ chức phi chính phủ và đối ứng của người dân trên 138 tỷ đồng.
Giai đoạn 2017 – 2024, Quảng Trị đã thực hiện trồng mới và tái canh gần 1,1 nghìn ha, đạt 57% kế hoạch. Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích tái canh đạt trên 1,9 nghìn ha.
Qua kiểm tra thực tế và đánh giá ban đầu, hầu hết các vườn cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 15 – 17 tấn quả tươi/ha, đạt mục tiêu đề án đưa ra, cao hơn các vườn cà phê già cỗi từ 1,2 – 1,5 lần.
Thời gian qua, Quảng Trị cũng đã xây dựng được các chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững; kết nối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao, từng bước tạo danh tiếng cho sản phẩm cà phê Khe Sanh; kết nối, mời gọi các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân sản xuất cà phê với quy mô hơn 500ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, thị trấn Khe Sanh.
Hiện nay, Công ty Slow Forest Coffee đang xúc tiến liên kết với các hộ dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết cà phê chất lượng cao nông lâm kết hợp; xây dựng vùng nguyên liệu cà phê nông lâm kết hợp cà phê sinh thái với diện tích khoảng 1.000ha.
Sản phẩm cà phê chè huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Cà phê Khe Sanh đã được biết đến ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao, tiêu biểu như sản phẩm cà phê của của Công ty TNHH Pun coffee 3 năm liền đạt giải nhất và 1 năm đạt giải 3 (từ năm 2021 đến năm 2024) trong cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức; giải nhì cà phê rang Pháp AVPA 10/2022 và đạt top 5 cà phê đặc sản thế giới 9/2023 tổ chức tại Nhật Bản.
Huyện Hướng Hóa đã xây dựng 6 sản phẩm cà phê bột, cà phê hạt rang được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm cà phê đạt 4 sao và 1 sản phẩm cà phê đạt 3 sao của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Quảng Trị sẽ đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo trồng và sản xuất cà phê không gây mất rừng. UBND huyện Hướng Hóa cần phối hợp các đơn vị, rà soát lựa chọn, trình tỉnh phê duyệt quy hoạch các loại cây trồng. Sở NN-PTNT tham mưu tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ, triển khai các giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, đa lợi ích, đa thu nhập….”, ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn