Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà thời gian gần đây bà con ở Phúc Lâm đã ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn vào sản xuất. Nhờ đó mà một bộ mặt nông thôn mới của xã đã có nhiều khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, các trường học đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục được xếp vào tốp đầu trong toàn huyện.
Vốn là một giáo viên, hơn 10 năm trước anh Đoàn Văn Lới tiếp quản khu trang trại từ bố anh khi nghề nuôi chim cút đã có phần sa sút nên quyết định chuyển sang nuôi gà Ai Cập đẻ với quy mô ban đầu 10.000 con. Gà Ai Cập hơn gà đỏ công nghiệp siêu trứng ở chỗ trứng ngon hơn, thơm hơn, còn tất cả các yếu tố khác đều thua như tỷ lệ đẻ thấp hơn, tỷ lệ hao nhiều hơn, chống chịu bệnh kém hơn, quả trứng nhỏ hơn…
Chấp nhận thua thiệt nhiều thứ để đổi lại một thứ là vượt trội về chất lượng trứng của con gà Ai Cập, năm 2012, anh Lới quyết định đầu tư gần 2 tỉ đồng – số tiền rất lớn hồi ấy để mở một trại, trong đó khoảng ½ là vốn tự có, ½ là vốn vay. Và gần đây nhất, anh đẩy quy mô lên 30.000 con gà.
Nghề nuôi gà đẻ có quá nhiều thăng trầm, nào đối diện với giá trứng lúc đắt lúc rẻ, nào đối diện với thị trường lúc “nóng”, lúc “lạnh”, nào đối diện với đủ loại dịch bệnh mới phát sinh nhưng anh Lới không nản chí. Gần đây nhờ giá trứng khá tốt, anh đã tích lũy được cỡ dăm tỉ đồng.
6 chuồng gà của anh Lới ở 2 khu khá gần nhau, thiết kế hiện đại và khép kín với hệ thống giàn mát, quạt tản nhiệt, ăn tự động, uống tự động, tổng đầu tư lên đến 10 tỉ đồng. Nét đặc biệt hiếm thấy là tuy nuôi gà kiểu công nghiệp, tập trung với số lượng lớn nhưng anh lại không dùng kháng sinh nhờ vào hai yếu tố chính là nước uống sạch và công nhân chăm sóc tốt.
“Ở trại của tôi, gà với người cùng uống nước chất lượng như nhau, đều qua lọc RO với 6 củ, chỉ có điều máy to nhỏ khác nhau”, anh Lới thổ lộ bí quyết. Nhờ được tiêm vacxin đầy đủ, ăn sạch, uống sạch, sống trong môi trường trong lành nên gà ít mắc bệnh.
Khi có một số con chẳng may bị bệnh anh chấp nhận loại bỏ chứ không cố chạy chữa bằng thuốc kháng sinh. Bởi thế mà ngay cả anh em bán vacxin của các công ty thuốc hay kỹ thuật của các công ty cám mỗi dịp đến trại đều tranh thủ mua trứng ăn hay để biếu người quen.
“Cứ luộc hai loại trứng trại của tôi và của trại đang dùng kháng sinh sẽ cảm nhận khác nhau hoàn toàn, chúng thơm hơn, ngon hơn. Không chỉ có thế, trứng gà của tôi nếu để tủ lạnh còn bảo quản được cả tháng, nếu hỏng 1 quả tôi cam kết đền 10 quả”, anh Lới tự tin khẳng định.
Một điều đáng tiếc là dù chất lượng ngon hơn, dù đạt chứng nhận VietGAP nhưng giá trứng của trại nhà anh khi bán vẫn chỉ bằng với trứng bình thường, hiện 2.500 đồng/quả, sản phẩm vẫn chưa vào được hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mà chỉ bán cho tư thương hay những người quen tới tận nơi để mua nhỏ lẻ.
Việc “cào bằng” giá bán này vô hình trung không khuyến khích được người làm ra những sản phẩm an toàn. Hiện xã Phúc Lâm đang có khoảng 10 trang trại gà đẻ ở nhiều quy mô trong đó nhiều cái có doanh thu vài tỷ đồng/năm. Tương tự như thế trong trồng trọt, Phúc Lâm là 1 trong 3 xã của huyện Mỹ Đức được quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 32ha. Một số hộ nông dân đã bắt đầu quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, làm nhà lưới, nhà màng.
Ông Phạm Quý Ba -Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lâm cho biết, thời gian qua, Hội đã tạo điều kiện tối đa để hội viên nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất; chủ động phối hợp với các đơn vị giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với tổng số dư nợ do Hội đang quản lý là hơn 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn này chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất của hội viên nông dân trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, các mặt hàng rau, củ, quả sản xuất trong nhà lưới, nhà màng bán ra đang bị đánh đồng và không thể cạnh tranh với rau củ quả sản xuất đại trà khiến nhiều hộ nông dân chưa yên tâm đầu tư lớn.
Để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ông mong muốn địa phương mình nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng về chính sách hỗ trợ, chính sách kích cầu, đẩy mạnh thực hiện bốn nhà gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp để giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định. Bởi từ phát triển nông nghiệp ổn định thì mới phát triển được vững bền nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở Phúc Lâm.
Nguồn: nongnghiep.vn