Một số vấn đề về nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Nhằm học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, chiều 10/12, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn “Nông nghiệp sinh thái: Kinh nghiệm từ các đối tác và triển khai thực hiện tại Việt Nam”.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là biến đổi khí hậu và thiên tai. Tài nguyên đất canh tác giảm 0,2% mỗi năm, trong khi ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Nông nghiệp là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn, chiếm khoảng 30% tổng lượng CO2. Bên cạnh đó, dịch bệnh mới nổi, như dịch tả lợn Châu Phi và sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về an toàn thực phẩm và môi trường cũng là một thách thức đáng quan ngại.
“Sự hình thành mạng lưới nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam là cần thiết để phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, bao gồm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và nông – lâm kết hợp”, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết.
Theo PGS.TS.BS.Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, dinh dưỡng có thể đóng vai trò vừa là kết quả đạt được của chuyển đổi nông nghiệp sinh thái vừa là yếu tố thúc đẩy của thực hành nông nghiệp sinh thái và có thể tạo ra sự chuyển đổi trong toàn bộ hệ thống lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, hơn 51% người dân thành thị Việt Nam chưa tiêu thụ đủ lượng rau quả, so sánh con số này với nông thôn là 60,2%.
Ăn lành mạnh, sử dụng thực phẩm hữu cơ giúp bảo vệ đất đai và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các phương pháp canh tác hữu cơ duy trì sự cân bằng sinh thái, tăng cường độ phì nhiêu của đất và giảm lượng khí CO2 phát thải vào không khí. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, với tỷ lệ cao các thực phẩm gốc thực vật, có thể giảm nhu cầu chăn nuôi gia súc – một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, từ đó góp phần làm giảm tổng lượng khí thải toàn cầu.
“Viện Dinh dưỡng đang tập trung xây dựng kịch bản để có kế hoạch cụ thể về trồng và cung ứng các nhóm thực phẩm theo vùng miền. Ngoài đầu tư tăng cường sản xuất bền vững, tôi đề xuất cần cải thiện phần cung ứng của hệ thống thực phẩm và môi trường thực phẩm nhằm gắn kết sản xuất và tiêu dùng để người dân có thể tiếp cận thực phẩm cho chế độ ăn lành mạnh, bền vững với giá cả phù hợp, đạt các mục tiêu về dinh dưỡng và sức khỏe – là cốt lõi của phát triển nông nghiệp sinh thái”, bà Mai nói.
TS. Nguyễn Quang Tân, đại diện của ICRAF Việt Nam, chia sẻ về thách thức trong chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc. Một trong những khó khăn lớn là trình độ của người dân trong áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái một cách hiệu quả. Mặt khác, thói quen canh tác lâu đời của người dân khiến họ ngần ngại thay đổi phương thức sản xuất. Người dân chỉ thực sự thay đổi khi thấy các mô hình mẫu thành công và có hiệu quả rõ rệt.
Ông Tân cho biết thêm, vốn đầu tư ban đầu cho nông nghiệp sinh thái đòi hỏi nguồn lực lớn, bên cạnh đó, năng lực của cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn và theo dõi quá trình chuyển đổi vẫn còn hạn chế. Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái hiện nay chưa có sự phân biệt rõ ràng so với sản phẩm thông thường, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và ứng dụng các mô hình nông nghiệp sinh thái
Tại Diễn đàn, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã giới thiệu về công cụ đánh giá hiệu suất nông sinh thái (TAPE). Công cụ này cung cấp bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác về cách nông sinh thái có thể đóng góp vào hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững.
Bằng cách đó, công cụ này cho phép hợp tác liên ngành và liên bộ, góp phần trao quyền cho các nhà sản xuất thông qua việc tự chẩn đoán và đánh giá mức độ chuyển đổi và hiệu suất của hệ thống của họ.
“TAPE được sử dụng để thiết lập đường cơ sở về tính bền vững của nông nghiệp cho thiết kế, giám sát và đánh giá dự án, và để chẩn đoán, so sánh hiệu suất của các hệ thống nông nghiệp khác nhau theo thời gian, ở cấp độ trang trại và lãnh thổ. Do đó, hỗ trợ việc định hướng lại đầu tư công theo hướng nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững hơn.
Bên cạnh đó, cung cấp một khuôn khổ cho các chính phủ và các tác nhân công cộng để điều chỉnh và thiết kế lại các chương trình nghiên cứu và phát triển, cũng như các dịch vụ tư vấn nông thôn và các chương trình mở rộng để giải quyết đúng đắn vấn đề nông nghiệp bền vững trong bối cảnh của các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG)”, đại diện FAO cho biết.
Dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án Sinh thái nông nghiệp tạo cảnh quan bền vững cho người nghèo ở miền núi phía Bắc (A4P), TS. Nguyễn Quang Tân đề xuất nông nghiệp sinh thái cần được phát triển mạnh, đặc biệt trên các sườn dốc.
“Việc thiết lập mô hình nông nghiệp sinh thái đòi hỏi đầu tư lớn, vì vậy cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân. Bắt đầu với những mô hình dễ áp dụng sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận và mở rộng. Tôi đề nghị cần nâng cao học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân và có lộ trình từng bước giảm sử dụng hóa chất để thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Ngoài ra, khung chính sách cần có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ thị trường và chuỗi giá trị cho sản phẩm sinh thái”, ông Tân nói.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam chia sẻ về các mô hình tái sinh được xây dựng trên nguyên tắc và thực hành nông học: “Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình NESCAFÉ Plan. Dự án NESCAFÉ Plan đã gắn kết chặt chẽ với nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê, cải thiện phương pháp canh tác và tái canh cây cà phê già cỗi.
Bên cạnh đó, chúng tôi duy trì các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức mới nhất về phương pháp canh tác cà phê tiên tiến tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, công ty ưu tiên quản lý nông nghiệp tái sinh bằng các công cụ số như FARMS và Nhật ký nông hộ số nhằm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động trong quản lý kinh tế nông hộ trong khi đó Nestlé sẽ có số liệu nhanh chóng trong quản lý kinh tế vi mô”.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế đang tích cực nghiên cứu các giống lúa và phương pháp sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, xây dựng các gói kỹ thuật canh tác bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp sinh thái. TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Quốc tế khẳng định, Viện phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế, đồng hành cùng chính phủ để phát triển kế hoạch xây dựng nền nông nghiệp sinh thái cụ thể. Đồng thời, tích cực triển khai để Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hiệu quả và thành công, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của nông nghiệp Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn