Nghệ An có tổng đàn lợn ước trên 1 triệu con, số lượng thuộc tốp đầu cả nước nhưng hình thức nuôi nông hộ chiếm đến 60 – 65%. Những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cơ bản không tuân thủ chặt chẽ quy định vệ sinh thú y, kết hợp sự chủ quản, thiếu trách nhiệm của chính quyền một số nơi khiến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh luôn hiển hiện.
Ghi nhận đến tháng 11 toàn tỉnh có 49 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 14 huyện, thành phố, thị xã chưa qua 21 ngày, tổng số lợn tiêu hủy 5.707 con. Để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã bám sát diễn biến tình hình, qua đó kịp thời tham mưu phương án ứng phó cho UBND tỉnh và Sở NN-PTNT.
Gần nhất, ngày 15/11 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-UBND về việc “tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi”. Qua đó yêu cầu các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thể hiện tại Chỉ thị số 29-CT/TU về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế dịch bệnh”.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn.
Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép. Phối hợp với các lực lượng đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch có hành vi trốn tránh kiểm dịch.
Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, chỉ đạo xử lý triệt để tránh phát sinh ổ dịch mới…
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị phải tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Quá trình thực hiện phải thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến hàng ngày về Sở NN-PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y), kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Xoay quanh nội dung phòng chống, ứng phó dịch tả lợn Châu Phi, nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn do mình quản lý thì Chủ tịch UBND khu vực đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Nghệ An có tổng đàn lợn tốp đầu cả nước, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, một số chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triên khai chống dịch và chỉ đạo tiêm phòng, chưa quản lý được đàn vật nuôi, đặc biệt là ý thức của người dân khiến công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi gặp nhiều khó khăn. Từ tính chất cấp thiết đặt ra thấy rằng ngành chăn nuôi cần phải được “chia lửa” để giảm tải áp lực nặng ngàn cân.
Nguồn: nongnghiep.vn