Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cạnh tranh ngày càng cao, ngành nông nghiệp An Giang phải đổi mới để thích ứng và phát triển. Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa để có thể đạt được mục tiêu này, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả.
Theo ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là lúa gạo, cá tra xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Tỉnh có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn. Nông dân có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây là thế mạnh nông nghiệp của địa phương.
Ông Thịnh cho rằng, hiện công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và chuỗi khối (Blockchain) giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí, mở ra cơ hội kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ tưới thông minh kết hợp bón phân đã giúp giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm công lao động. Mô hình này được ứng dụng nhiều hợp tác xã, chủ yếu khu vực trồng có diện tích lớn, tiết kiệm công lao động thông qua việc tưới và bón phân. Ứng dụng một số nền tảng số, phần mềm vào ghi nhật ký nông vụ, nhật ký trồng trọt, truy xuất nguồn gốc cho nông sản từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng của nông sản, đặc biệt trong xuất khẩu. Toàn tỉnh đã cấp 514 mã số, tổng diện tích vùng trồng gần 18.000ha.
Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) cho biết: Nhật ký điện tử giúp nông dân ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chăm sóc, bón phân, đến thu hoạch một cách chi tiết và chính xác. Thay vì ghi chép thủ công, việc sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp việc quản lý trở nên dễ dàng hơn, thông tin được lưu trữ khoa học và không lo bị mất. Nhờ vào việc quản lý tốt quy trình sản xuất, nhà vườn có thể kiểm soát chính xác lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn an toàn và chất lượng cao. HTX GAP Cù Lao Giêng có 35 thành viên áp dụng nhật ký điện tử trong sản xuất 200ha; ứng dụng tưới nhỏ giọt trên diện tích 5ha, giúp tiết kiệm nước trong sản xuất và dinh dưỡng cây trồng.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh An Giang ứng dụng được 265 drone phục vụ sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và phục vụ trên 40% diện tích sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp giảm lượng giống lúa gieo sạ từ 120 – 150kg/ha xuống còn 80 – 100kg/ha. Doanh nghiệp thủy sản đang áp dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất – kinh doanh. Điển hình như: Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số thông qua đo lường tự động, hệ thống thiết bị thu mẫu tự động hoàn toàn, hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi tự động, chip điện tử định danh cá… Nhờ vậy, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế; hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất, thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Tôn Thất Thịnh cho biết thêm, việc chuyển đổi số không chỉ đơn thuần áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, mà còn đòi hỏi thay đổi tư duy, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất. Để những ứng dụng chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, động lực mạnh mẽ để tiếp tục hành động, đưa ngành nông nghiệp ngày càng vươn xa.
Việc ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, mã số vùng nuôi, định vị vùng nuôi… giúp cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát được việc thực hiện công bố thông tin sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, nắm tình hình sản xuất của doanh nghiệp, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm, tìm hiểu sản phẩm còn được phép lưu hành trên thị trường hay không.
Nguồn: nongnghiep.vn