Tập trung nguồn lực
Tại tỉnh Bắc Kạn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025 có 10 dự án thành phần, trong đó năm 2024 đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (gồm cả vốn năm 2022, 2023 chuyển sang).
Nguồn vốn này dùng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn lực từ chương trình còn dùng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện.
Nổi bật là đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phục dựng lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm); Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì); Phát triển 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian; Thực hiện hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống; Hỗ trợ xây dựng 21 tủ sách cộng đồng.
Tỉnh Bắc Kạn cũng tập trung chăm lo sức khỏe đồng bào dân tộc, xây dựng và phát triển y tế cơ sở, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng tháng cho 1 cô đỡ thôn, bản tại huyện Pác Nặm. Chương trình cũng tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý công tác dân số.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.
Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Triển khai đồng bộ
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là động lực quan trọng để giúp người dân nâng cao đời sống, phát triển kết cấu hạ tầng. Để thực hiện có hiệu quả, năm 2024, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 4 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 3 quyết định. Ban chỉ đạo (BCĐ) do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với nhiệm vụ được giao.
Năm 2024, tỉnh đã xây dựng phương án phân bổ, bố trí vốn đối ứng tối thiểu bằng 5% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện chương trình. Trên cơ sở nguồn vốn giao, các đơn vị là chủ trì dự án, tiểu dự án lập dự toán, phê duyệt dự toán, giải ngân, nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định.
Để thực hiện có hiệu quả cao, tỉnh Bắc Kạn tập trung nâng cao năng lực, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư, cán bộ các cấp và cộng đồng được hưởng thụ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các xã thực hiện lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, người dân được nâng lên rõ rệt, tạo động lực giúp người dân tích cực tham gia xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai, tỉnh Bắc Kạn thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các ngành, các cấp. UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 29/01/2024 về việc giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế từ đó hướng dẫn các địa phương điều chỉnh, khắc phục kịp thời.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nguồn lực từ chương trình trong giai đoạn 2021-2025 kỳ vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3,5%/năm, phấn đấu có 325 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng phấn đấu 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên (đã đạt 106%); 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa (đã đạt hơn118%); 92% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (đã đạt trên 88%).
Thời gian tới tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phân bổ, điều chỉnh kinh phí giữa các dự án, tiểu dự án, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia, phấn đấu thực hiện giải ngân đạt 100% kinh phí được giao, đảm bảo sử dụng hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Nguồn: nongnghiep.vn