Là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh ít chịu tác động bởi giông bão. Tuy nhiên, với hệ thống kênh rạch tương đối nhiều, địa phương này đối mặt với tình trạng ngập cục bộ và một số loại hình thiên tai khác như lốc xoáy.
Theo ghi nhận của ngành khí tượng thủy văn, trong 11 tháng đầu năm 2024, nước ta chịu ảnh hưởng của 10 cơn bão. Mặc dù không chịu tác động trực tiếp của cơn bão số 3 (Yagi) nhưng tỉnh Tây Ninh ghi nhận 18 đợt mưa lớn, lốc cục bộ gây thiệt hại tại 6 huyện, 2 thị xã. Các thiệt hại bao gồm 78 căn nhà bị hư hại, ngập nước, 143ha cây trồng bị ảnh hưởng, cùng một số tổn thất khác.
Xác định số liệu quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) có ý nghĩa rất lớn trong công tác dự báo, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, Đài KTTV Tây Ninh đã và đang được đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng tự động. Mục tiêu là chuyển dần từ đo thủ công sang công nghệ 4.0, nhằm dự báo sớm và giúp chính quyền địa phương cùng người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đến thăm Đài KTTV Tây Ninh, điều ấn tượng nhất là việc ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence). Công nghệ này giúp nâng cao hiệu suất làm việc, năng lực dự báo, cảnh báo và phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh.
Nhờ các công cụ tự động thu thập và phân tích dữ liệu, như ảnh mây vệ tinh HimaCwari, radar thời tiết, hệ thống đồng hóa dữ liệu quan trắc cho mô hình dự báo thời tiết độ phân giải cao WRF, cùng công cụ phân tích và số hóa bản đồ thời tiết, Đài KTTV Tây Ninh đã có thể dự báo chính xác hơn. Bộ công cụ này đặc biệt hữu ích trong việc theo dõi và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trong thời gian ngắn, như mưa lớn hay ngập lụt đô thị.
“Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai là dự báo, cảnh báo thiên tai. Dự báo chính xác thời gian, cường độ và diễn biến của thiên tai sẽ giúp các cơ quan chức năng có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại”, ông Nguyễn Huy Kha, dự báo viên Đài KTTV Tây Ninh chia sẻ.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Giám đốc Đài KTTV Tây Ninh, cho biết thêm, xuất phát từ đặc điểm mỗi loại trạm đo mưa lại có cấu trúc dữ liệu khác nhau, cần phải chuẩn hóa dữ liệu này về cùng một định dạng. Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin từ các trạm tự động, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu.
“Sau khi hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu, chúng tôi sẽ xây dựng một website để hiển thị, trích xuất và quản trị các sản phẩm mưa thu thập được. Website sẽ tích hợp bản đồ 3 lớp, bao gồm: lớp nền chứa thông tin tọa độ, lớp vị trí trạm đo mưa và lớp thông tin lượng mưa quan trắc. Điều này giúp việc phân tích và trích xuất số liệu trở nên thuận tiện hơn”, ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, qua thời gian thử nghiệm, hệ thống đã cho kết quả tốt. Với đầy đủ chức năng, hệ thống có thể thu nhận và xử lý hình ảnh chất lượng ngay cả trong điều kiện ánh sáng kém hoặc thời tiết xấu như mưa.
“Trong bối cảnh thời đại số, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ để nâng cao tính chủ động phòng chống thiên tai đã được ngành KTTV đặc biệt quan tâm. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng đây là hướng đi cần thiết và cần tiếp tục được đẩy mạnh”, ông Hòa nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn