10% diện tích thoái hóa rất nặng
Tây Nguyên là vùng có địa hình phức tạp bao gồm phức hợp núi, cao nguyên, bình nguyên, trũng và đồng bằng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,4 triệu ha, trong đó có khoảng 1,3 triệu ha đất bazan – loại đất có đặc tính lý, hóa, sinh học phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị xuất khẩu cao.
Theo thống kê năm 2022 – 2023, diện tích đất nông nghiệp toàn vùng chiếm 36,7% diện tích tự nhiên, trong đó đất trồng cà phê khoảng 600 ngàn ha, cao su khoảng 275 ngàn ha, lúa khoảng 170 ngàn ha, điều khoảng 65 ngàn ha, hồ tiêu 80 ngàn ha, cây ăn quả 160 ngàn ha (trong đó diện tích sầu riêng khoảng 60 ngàn ha). Do giá sầu riêng, cà phê, hồ tiêu hiện nay đang ở mức tốt nên diện tích các cây này trong thời gian tới sẽ được mở rộng, đặc biệt là diện tích sầu riêng.
Tài nguyên đất ở Tây Nguyên chịu tác động sâu sắc của các quá trình thoái hóa do tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người, trong đó diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp thoái hóa chủ yếu do tác động của con người.
Kết quả đánh giá thoái hóa đất vùng Tây Nguyên gần đây cho thấy: Đất không và thoái hóa ở mức độ nhẹ diện tích khoảng 1,84 triệu ha (chiếm 33,7% diện tích tự nhiên); thoái hóa trung bình khoảng 2,5 triệu ha (chiếm 45,8%); thoái hóa nặng khoảng 576 ngàn ha (chiếm 10,5%); thoái hóa rất nặng khoảng 548 ngàn ha (chiếm 10%).
Theo dự báo, nếu Tây Nguyên không có những giải pháp mang tính toàn diện để bảo vệ tài nguyên đất thì diện tích đất đai bị thoái hóa ngày càng gia tăng dẫn đến hệ lụy là sản xuất nông lâm nghiệp thiếu tính bền vững.
Với nền nông nghiệp hiện tại, Tây Nguyên đang sản xuất theo hướng gia tăng sản lượng thì giải pháp thâm canh bằng con đường hóa học như sử dụng phân bón hóa học với lượng cao hơn rất nhiều so với năng suất đạt được; sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh… đã được nông dân lựa chọn áp dụng để đạt năng suất cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Do trong thời gian dài áp dụng phương thức thâm canh cao mà không đi đôi với giải pháp bảo vệ, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất nên tình trạng thoái hóa đất canh tác nông, lâm nghiệp đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thoái hóa đất xảy ra ở 3 khía cạnh, đó là lý tính, hóa tính và sinh học đất – 3 trụ cột của sức khỏe đất. Vấn đề đang được Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học về đất và dinh dưỡng cây trồng quan tâm hiện nay. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ -BNN-BVTV ngày 11/10/2024 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” với mục tiêu ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng chi phí đầu tư và ô nhiễm môi trường
Thực trạng suy thoái đất xét về lý tính đất cho thấy đất ngày càng bị chai cứng, bí chặt; tầng canh tác tích sét; cấu trúc đất bị phá vỡ làm gia tăng mức độ xói mòn và rửa trôi dưới tác động của xung lực hạt mưa và độ dốc cao trên địa hình đồi núi; dung trọng đất tăng so với 30 năm trước từ 20,1 – 26,3%; độ xốp đất giảm từ 10 – 20,2%; lượng nước hữu hiệu trong đất giảm 8,5 – 24,6%.
Tính chất vật lý đất bị suy thoái dẫn đến khả năng giữ nước và cung cấp nước cho cây trồng bị hạn chế, cây trồng dễ bị thiếu nước nên phải tăng cường tưới nước trong bối cảnh nguồn nước ngày càng bị thiếu hụt do tác động của biến đổi khí hậu và giảm lớp phủ sinh thủy từ rừng.
Ngoài ra, đất bí chặt sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của hệ thống rễ, từ đó ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt. Để đạt được năng suất kỳ vọng, nông dân cần phải đầu tư nhiều hơn nên ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế.
Về hóa tính đất, đất ngày càng chua hóa, điển hình là giá trị pHKCl giảm từ 0,9 – 1,5 đơn vị so với 30 năm về trước. Số liệu phân tích đất năm 2023, 2024 của nhiều vùng canh tác các cây trồng khác nhau cho thấy pHKCl chỉ dao động từ 3,45 – 4,05, trong số đó với 83% số mẫu có giá trị pHKCl < 4. Đất chua làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cây, làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón từ 20 – 35%, từ đó nông dân phải bón nhiều phân hơn.
Điều này làm tăng chi phí đầu tư và có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất và nước, góp phần làm gia tăng tốc độ suy thoái đất. Đất chua dẫn đến làm gia tăng hàm lượng độc tố Al (nhôm) trong đất bazan và độc tố này ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ cây.
Đất chua cũng làm cho cân bằng hệ vi sinh vật trong đất thay đổi theo chiều hướng bất thuận cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hệ vi sinh vật gây hại trong đất tăng, hệ vi sinh vật có lợi trong đất giảm đã làm phát sinh nhiều bệnh hại từ đất như bệnh vàng lá thối rễ cà phê; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; thối quả sầu riêng, ca cao…
Đi đôi với độ chua của đất cao thì chất lượng đất bị thay đổi theo chiều hướng xấu, tổng lượng Cation trao đổi (CEC) giảm đáng kể, đặc biệt là CEC hiệu dụng giảm từ 37,3 – 54,5%. Trị số này giảm thì khả năng cung cấp dinh dưỡng giảm khi bón phân cho cây trồng, làm gia tăng quá trình thất thoát dinh dưỡng, tăng chi phí đầu tư, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nhanh quá trình suy thoái đất.
Ngoài ra, do thâm canh cao bằng cách sử dụng phân bón vô cơ cao nhưng lại không cân đối nên đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt các nguyên tố vi lượng như kẽm (Zn) và bo (B) với tỷ lệ 55 – 71% số mẫu phân tích. Thiếu Zn, B làm cho quá trình ra hoa, thụ phấn, thụ tinh của cây, đặc biệt là cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng bị ảnh hưởng, do vậy năng suất và chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng.
Về sinh học đất, do sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao nên đã ảnh hưởng đến các đặc tính sinh học đất. Đất bị chua, chai cứng nên tính đa dạng sinh học trong đất bị suy giảm (các loại giun đất, côn trùng, vi sinh vật có ích). Hệ vi sinh vật gây hại cho cây trồng trong đất ngày càng phổ biến như các loại tuyến trùng gây hại rễ cây (tuyến trùng gây nốt sưng, tuyến trùng gây thối rễ), ve sầu hại rễ…, nấm thối rễ, nấm thối trái, nấm gây nứt thân.
Hệ vi sinh vật có lợi trong đất giảm đã làm ảnh hưởng đến quá trình phân giải chất hữu cơ để cung cấp các chất dinh dưỡng, các chất kích thích sinh trưởng cây trồng và cải thiện tính chất lý học của đất (tăng độ xốp đất, tăng khả năng giữ nước và giữ chất dinh dưỡng). Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy mật độ vi sinh vật gây hại trong đất ngày càng gia tăng (tăng so với vài thập niên trước từ 19 – 43%).
Đất Tây Nguyên đang bị suy thoái với mức độ nghiệm trọng hơn về lý, hóa tính và sinh học. Hay nói cách khác, sức khỏe đất Tây Nguyên đang có vấn đề, cần phải có giải pháp quản trị kịp thời và hiệu quả để phục hồi nhằm đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn