Sự đối chiếu bất hợp lý
Ông có thể cho biết tình hình sản xuất và xuất khẩu mật ong của nước ta hiện nay?
Theo báo cáo của Hội nuôi ong Việt Nam, năm 2021, nước ta có 1,7 triệu đàn ong (1,3 triệu đàn ong ngoại và 400.000 đàn ong nội), sản xuất trên 71.000 tấn mật ong các loại và các sản phẩm khác như phấn, sáp, sữa chúa, keo ong, đàn ong giống và dịch vụ thụ phấn nhân tạo cho cây trồng từ hoạt động nuôi ong của trên 37.000 người nuôi ong, trong đó có trên 10.000 người nuôi ong chuyên nghiệp.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, sản lượng mật ong sản xuất ra tăng đều các năm, từ 49.000 tấn năm 2018 lên 71.000 tấn năm 2021, tuy nhiên năm 2022 giảm xuống chỉ còn gần 44.000 tấn do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá do Hoa Kỳ áp dụng đối với Việt Nam từ cuối năm 2021. Tính bình quân sản lượng mật ong sản xuất trong giai đoạn 2018 – 2022 khoảng 55.000 tấn/năm.
Về xuất khẩu, báo cáo của Hội nuôi ong Việt Nam cũng cho thấy, xuất khẩu mật ong của Việt Nam đạt hơn 47 triệu USD năm 2019; 71 triệu USD năm 2020; 90 triệu USD năm 2021 và 48,5 triệu USD năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu mật ong chính của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Anh, Indonesia, Canada. Trong đó, xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
“Chăn nuôi ong không chỉ giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân ở nông thôn thông qua việc thương mại hóa các sản phẩm từ ong mà còn có vai trò to lớn trong việc nâng cao năng suất cây trồng thông qua hoạt động thụ phấn. Hơn nữa, ngành ong còn phù hợp với 17 mục tiêu của thiên niên kỷ. Đây là các vai trò quan trong cần duy trì và bảo vệ ngành ong”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam, rõ ràng Hoa Kỳ là thị trường rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay DOC đang áp thuế chống bán phá giá đối với mật ong thô của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Được biết ông vừa có chuyến công tác từ Thụy Sỹ về liên quan đến vấn đề này, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là mật ong thô để chế biến trong ngành bánh kẹo, nước giải khát, đồ hộp. Năm 2019, mật ong Việt Nam chiếm tỷ trọng hàng đầu trong các nước xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 50.000 tấn vào quốc gia này.
Trước tình hình sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu ngày càng lớn vào Hoa Kỳ với giá rẻ, Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đã kiện đơn lên DOC cho rằng,Việt Nam bán phá giá sản phẩm mật ong vào thị trường Hoa Kỳ.
Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ yêu cầu với DOC áp thuế chống bán phá giá cho mật ong Việt Nam là 207%. Ngay sau đó, DOC đã thực hiện thủ tục quy trình điều tra, yêu cầu các công ty mật ong Việt Nam khai báo đầy đủ giá thành sản xuất từ nguồn hoa, xuất xứ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ kế toán…
Trong cuộc điều tra này, Việt Nam rất bất lợi khi chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, mà chỉ coi là nền kinh tế phi thị trường. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, nếu một đất nước thuộc nền kinh tế phi thị trường sẽ không thể lấy giá thành sản xuất của nước đó làm cơ sở. Do đó, Hoa Kỳ đã chọn Ấn Độ – đất nước có nền sản xuất tương đương để đối chiếu. Điều này khiến Hoa Kỳ đưa ra kết luận sơ bộ ban đầu ở mức thuế lên tới 410 – 413%. Đây là mức thuế áp dụng cao nhất đối với sản phẩm mật ong nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Phải khẳng định đây là sự đối chiếu bất hợp lý vì mấu chốt mật ong Việt Nam không xuất phát từ mật hoa mà là từ mật lá, nên giá rẻ hơn nhiều so với các loại sản phẩm mật ong của các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Argentina…
Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận, gửi thư tới người đứng đầu ngành nông nghiệp, thương mại Hoa Kỳ. Kết quả đã giảm biên độ thuế từ hơn 410% xuống còn mức thuế bình quân cho các doanh nghiệp là 60%.
Với mức thuế này, quá trình rà soát hành chính, đấu tranh sẽ còn được tiếp tục, đưa ra các thông tin, số liệu chứng minh để DOC thấy rằng, đây là mức thuế chưa công bằng đối với mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Mật ong Việt không hề cạnh tranh với các nhà sản xuất Hoa Kỳ
Bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, từ đó đến nay xuất khẩu mật ong Việt Nam sang thị trường này đã chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2020, tổng lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt trên 50.000 tấn, chiếm 26%, đứng thứ nhất trong số các nước xuất khẩu mật ong sang thị trường này.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 56.000 tấn mật ong vào Hoa Kỳ, chiếm trên 25% tổng lượng mật nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đứng thứ 2 sau Ấn Độ.
Do thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng cho mật ong Việt Nam nên năm 2022, tổng khối lượng mật ong xuất sang Hoa Kỳ chỉ còn trên 14.000 tấn, chiếm 7%, đứng thứ 4 trong các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất hơn 5.500 tấn mật ong các loại sang Hoa Kỳ, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 11,5 triệu USD, giá bán hơn 2 USD/kg (mật bán theo phi).
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, sau khi bị Hoa Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá bình quân 60%, sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã giảm khoảng 50%, chỉ còn khoảng 30.000 tấn năm 2022.
Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã, đang và sẽ có những hành động gì để tiếp tục bảo vệ, hỗ trợ người nuôi ong trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá sắp tới?
Các đơn vị trong Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Chăn nuôi và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ kết hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán để tiếp tục cung cấp thông tin, số lượng, trao đổi và giải trình.
Các động thái này sẽ giúp DOC hiểu rõ hơn về nguồn gốc sản xuất mật ong Việt Nam trong đánh giá hành chính lần thứ nhất, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024, từ đó đề nghị DOC áp dụng mức thuế phù hợp hơn với mật ong Việt Nam.
Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở vì mật ong Việt Nam xuất khẩu chủ yếu lấy từ mật nách lá cây keo (tổng diện tích trên 2,2 triệu ha) và cây cao su (trên 930.000 ha). Đây là căn cứ rất quan trọng cho thấy, mật ong Việt Nam không hề cạnh tranh với mật lấy từ hoa của các nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Việt Nam có hệ thống ngành ong lớn với trên 1,7 triệu đàn ong. Giá xuất khẩu mật ong của Việt Nam cạnh tranh là do lợi thế về cây nguồn mật từ rừng trồng, thời tiết mùa vụ cho phép thời gian thu hoạch lên đến 7 – 8 tháng/năm, giống ong và kỹ thuật tốt nên chất lượng đảm bảo đáp ứng được thị hiếu của phân khúc công nghiệp chế biến thực phẩm của Hoa Kỳ.
Người dân Hoa Kỳ đã tin dùng và ủng hộ mật ong Việt Nam liên tục trong 30 năm qua. Việc xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ không chỉ giúp Việt Nam xuất khẩu được sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng, các nhà chế biến của Hoa Kỳ có được lợi nhuận tốt từ nguồn mật tự nhiên giá rẻ.
Vì vậy, quyết định này của DOC sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sản xuất, đời sống của nông dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng lớn đến phân khúc chế biến và người tiêu dùng Hoa Kỳ và sự đa dạng sinh học của hệ thực vật tự nhiên, hệ thống cây trồng nông nghiệp.
Cần đa dạng hóa thị trường
Bài học kinh nghiệm mà chúng ta rút ra để chủ động ứng phó trước những khó khăn đối với các ngành hàng khác là gì, thưa ông?
Khi tham gia vào thị trường thế giới, đặc biệt là các hiệp định thương mại, nguyên tắc cần nhớ, thuế chống bán phá giá là công cụ để một quốc gia muốn áp đặt, hạn chế nhập khẩu sản phẩm hàng hóa từ nước khác. Đây là cơ chế thương mại được phép trong WTO.
Đối với Mỹ, chống bán phá giá là biện pháp thường xuyên áp dụng. Bên cạnh mật ong, Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá như tôm, cá tra, gỗ…
Khi bị áp thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết về sản phẩm để xác minh nguồn gốc, xuất xứ, chi phí, nhân lực sản xuất…
Bên cạnh đó, để hạn chế sự ảnh hưởng của cơ chế này, cần đa dạng hóa thị trường, không nên chỉ phụ thuộc một thị trường, khi xảy kiện bán chống phá gia xẩy ra sẽ sẽ ảnh hướng lớn đến nền sản xuất trong nước. Các ngành hàng nên hình thành thói quen chỉ báo, khi một thị trường vượt quá 50 – 60% cần có sự điều chỉnh.
Cùng với đó, các ngành hàng phải tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hệ thống sổ sách ghi chép để có minh chứng quy trình sản xuất…
Xin cảm ơn ông!
Tóm tắt tiến trình vụ kiện chống bán phá giá mật ong Việt Nam sang Hoa Kỳ
– Ngày 14/5/2021, DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam dựa trên đơn kiện của Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ.
– Ngày 17/11/2021, DOC ban hành kết luận sơ bộ và áp thuế mật ong Việt Nam từ 410,93 – 413,99%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ đề xuất ban đầu là 207%.
– Sau quá trình điều tra, ngày 8/4/2022, DOC ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong nhập khẩu từ Ấn Độ, Ukranie, Argentina, Brazil và Việt Nam. Theo đó, biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu mật ong Việt Nam được xác định là 58,74 – 61,27% (Công ty Daklak Honeybee 58,74%, Công ty Ban Mê Thuột 61,27% và các công ty khác của Việt Nam 60,03%) trong 5 năm kể từ ngày 3/6/2022 và sẽ tiến hành rà soát hành chính thuế chống bán phá giá hàng năm.
– Biên độ bán phá giá với các nước khác là Argentina 9,17 – 49,44%, Brazil 7,89 – 83,72%, Ấn Độ 5,87 – 6,24%.
Nguồn: nongnghiep.vn