Cơn bão số 3 (Yagi) khiến hơn 5.200ha rừng trồng (gồm keo, bạch đàn, thông) trên địa bàn TP Uông Bí bị gãy, đổ, dập nát. Với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh, những ngày qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân TP Uông Bí đã nỗ lực vượt khó, quyết tâm khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp.
Phường Vàng Danh là một trong những địa phương trên địa bàn TP có diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn với tổng số gần 600ha của 395 hộ dân bị thiệt hại, trong đó diện tích bị thiệt hại nặng từ 30% trở lên chiếm khoảng trên 70%. Các diện tích rừng bị thiệt hại chủ yếu là keo và bạch đàn.
Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh và thành phố, phường Vàng Danh đã thành lập Hội đồng xét duyệt và tổ giúp việc tiến hành kiểm tra, xác minh thiệt hại. Đến nay, phường đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt và đang trong thời gian niêm yết công khai danh sách các hộ dân có diện tích rừng bị thiệt hại được hỗ trợ tại các nhà văn hóa, hiện địa phương chờ tiền từ ngân sách “rót” về để hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại.
Gia đình ông Phạm Văn Vượng (phường Vàng Danh) là một trong những hộ có diện tích rừng bị thiệt hại nặng với 10ha chủ yếu là keo có độ tuổi từ 2 đến 3 năm bị gãy đổ. Sau khi chính quyền địa phương xác minh, kiểm đếm và tuyên truyền về công tác phòng chống cháy rừng, gia đình ông đã chủ động thuê nhân công tiến hành tận thu những cây còn có thể sử dụng được, đồng thời kết hợp việc dọn dẹp các cây gãy, thực bì, hạn chế vật liệu cháy và chuẩn bị hiện trường để trồng rừng vụ mới.
Ông Phạm Văn Vượng cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi, không bị bão thì với 10ha của gia đình sẽ thu được bình quân 80 triệu đồng/ha, tuy nhiên bão đã làm cho diện tích keo của gia đình bị hư hỏng hết, cố gắng tận thu cũng chỉ được khoảng 20 triệu đồng/ha. Mặc dù vậy, gia đình vẫn cố gắng khắc phục, trước mắt dọn dẹp hiện trường, sau Tết Nguyên đán có cây giống sẽ trồng lại vụ mới.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí cũng đang gặp khó khăn do diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn trong cơn bão số 3, bao gồm cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ với khoảng 2.300ha, chủ yếu là keo và bạch đàn, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên gần 1.700ha, còn lại là diện tích từ 5 đến dưới 70%. Thời điểm này, Công ty cũng đang bố trí nhân lực tiến hành tận thu và làm tốt công tác phòng chống cháy rừng. Đối với diện tích rừng tự nhiên và rừng phòng hộ có vốn ngân sách nhà nước, hiện đơn vị đang thực hiện khoanh vẽ, kiểm đếm chờ phương án giải quyết.
Theo ông Vũ Văn Bổng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí: Đối với diện tích rừng sản xuất đã được giao khoán cho các hộ dân, Công ty chỉ đạo cho các hộ tích cực thực hiện tận thu, xử lý thực bì, vệ sinh rừng, làm đường băng cản lửa. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân không mang vật liệu gây cháy khi đi rừng để tránh nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô.
Hiện, diện tích rừng tự nhiên vẫn đang trong giai đoạn khoanh vẽ, kiểm đếm, còn rừng sản xuất, Công ty đã khắc phục được khoảng 60%. Công ty đang chuẩn bị khoảng 400 vạn cây giống, dự kiến đến tháng 4/2025, sẽ trồng xong những diện tích bị gãy đổ.
Tính đến nay, UBND các xã, phường đã tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ của các hộ sản xuất nông nghiệp và đã thẩm định 2.030 đơn, trong đó có 1.418 đơn đủ điều kiện hỗ trợ. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Kinh tế đang chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng và UBND các xã, phường tổ chức thẩm định các trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ đối với các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 8,8 tỷ đồng.
Ông Trần Phi Long, Trưởng phòng Kinh tế TP Uông Bí, cho biết: Thành phố vẫn đang tiếp tục tiếp nhận hồ sơ và thẩm định phê duyệt đối với các hộ có diện tích rừng bị thiệt hại thuộc diện được hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường, xã và các cơ quan liên quan lập phương án thu dọn, vệ sinh rừng và phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã rà soát, lập danh sách các hộ sản xuất bị thiệt hại đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng với kinh phí 1 triệu đồng/ha. Dự kiến, kinh phí đề xuất khoảng trên 1 tỷ đồng.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, cùng sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp và bà con nông dân, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ sớm được phục hồi và tái sản xuất trở lại, góp phần bảo đảm việc làm, sinh kế cho người nông dân.
Nguồn: nongnghiep.vn