Nhận thấy bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả nhiệt đới có giá trị cao, có tiềm năng lớn trong việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, năm 2016, HTX Bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp (xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, Bình Phước) đã ra đời, tập trung sản xuất bưởi da xanh với 11 thành viên, tổng diện tích canh tác hơn 50ha.
Anh Phạm Ngọc Chiến, Giám đốc HTX cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã định hướng các thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và đang tiến tới áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Theo đó, ngay từ khâu lập vườn, HTX đã nhờ đơn vị tư vấn từ khâu thiết kế đến quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Ngay cả nơi ủ phân chuồng cũng được bố trí ở một vị trí cố định, cách biệt nơi sản xuất, nguồn nước tưới phải sạch, ít nguy cơ nhiễm kim loại nặng.
Đặc biệt, trong quá trình canh tác, cỏ dại được quản lý hợp lý hoặc phát bằng máy cắt hay làm thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Phân bón cho cây trồng chủ yếu là phân hữu cơ nhằm đảm bảo “sức khỏe” cho đất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển bền vững và không có độc tố. Các giải pháp phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học được ưu tiên hàng đầu như bẫy sinh học, nuôi thiên địch và các động vật cộng sinh kết hợp các chế phẩm sinh học, nấm đối kháng…
“Sản phẩm bưởi của HTX phải tuân thủ 252 tiêu chuẩn, trong đó có 36 tiêu chuẩn phải tuân thủ đúng 100%, 127 tiêu chuẩn phải tuân thủ đến mức 95% và 89 kiến nghị, khuyến cáo của nhà tư vấn cần phải thực hiện”, anh Chiến chia sẻ.
Theo chân anh Phạm Ngọc Chiến đến thăm vườn cây, nhìn những tổ ong mật đung đưa trong gió, chúng tôi vừa sợ bị ong chích, vừa bị thuyết phục bởi nhiều nghiên cứu cho thấy ong là loài khá mẫn cảm với thuốc diệt côn trùng hóa học hay các hóa chất bảo vệ thực vật. Con ong có thể mất nhiều thế hệ để phục hồi sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng dù chỉ một lần.
Anh Phạm Ngọc Chiến phấn khởi cho biết thêm, con ong được xem là người bạn tuyệt vời của nhà nông, đặc biệt trong việc thụ phấn cho cây ăn trái như bưởi da xanh. Ong giúp tăng tỷ lệ đậu quả, cải thiện chất lượng và năng suất cây trồng. Việc sử dụng ong trong vườn bưởi da xanh không chỉ hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường, giảm thiểu việc phải can thiệp bằng tay hoặc sử dụng hóa chất.
“Xu hướng canh tác hữu cơ giúp nâng cao sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng lâu dài, tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất và cải thiện tính lý hoá đất, giúp cây trồng phát triển bền vững. Ngoài ra, các biện pháp như quản lý thoát nước, tỉa cành, chọn giống kháng bệnh và bảo tồn các loài côn trùng có lợi đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm thiểu sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi rất tự hào khi bưởi da xanh của HTX 5 năm liền được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP và được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng của tỉnh”, anh Chiến nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, hiệu quả của cây bưởi đã thu hút được sự quan tâm bà con nông dân. Trong 4 năm qua, diện tích trồng bưởi da xanh tại huyện đã liên tục tăng và hiện đạt 300ha, năng suất từ 15 – 30 tấn/ha. Trung tâm thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống tưới tự động và các phương pháp canh tác hữu cơ, bền vững.
“Việc sản xuất bưởi da xanh theo chuẩn GlobalGAP và áp dụng IPHM vừa đảm bảo sức khỏe người lao động vừa nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp mô hình canh tác nông nghiệp phát triển một cách bền vững, thân thiện với môi trường, đất không bị chai sạn, xói mòn. Nông dân sống hòa hợp với thiên nhiên trong quá trình sản xuất. Mỗi vườn cây được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP được xem là giấy thông hành đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ hay các nước châu Âu”, TS Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh.
UBND tỉnh Bình Phước vừa đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về triển khai thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2023 – 2030.
Bình Phước phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; 90% nông dân được tuyên truyền và nắm vững được các nguyên tắc trong IPHM để áp dụng vào sản xuất…
Nguồn: nongnghiep.vn