Các hoạt động buôn bán không bền vững và trái pháp luật các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và xương hổ đã và đang gây ra sự suy giảm chưa từng có ở các loài động vật nổi tiếng và quý hiếm trên thế giới. Theo dữ liệu của Tổ chức TRAFFIC, từ năm 2020 đến năm 2023, đã ghi nhận 2.179 vụ bắt giữ liên quan đến các hành vi này.
Việc giám sát thị trường buôn bán trực tuyến các sản phẩm từ ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam là cần thiết, nhằm xác định và theo dõi các xu hướng buôn bán trực tuyến cũng như mối quan hệ giữa thị trường trực tuyến và thực tế. Báo cáo tập trung khảo sát các loài ĐVHD nguy cấp mục tiêu gồm voi, tê giác, tê tê, hổ, rùa cạn và rùa nước ngọt.
Sản phẩm từ ngà voi và hổ vẫn chiếm ưu thế
Báo cáo giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy số lượng tin bài quảng cáo rao bán các sản phẩm từ năm loài động vật hoang dã đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2022. Trong đó, các sản phẩm từ hổ và ngà voi xuất hiện nhiều nhất trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Đặc biệt, rùa cạn và rùa nước ngọt là những loài được rao bán với số lượng cá thể lớn nhất, do xu hướng nuôi và buôn bán ba ba tại Việt Nam.
Qua Báo cáo khảo sát tình hình buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên các nền tảng trực tuyến, hơn 22.497 tin/bài quảng cáo rao bán năm loài mục tiêu đã được ghi nhận, với 8.232 tin/bài đăng quảng cáo các sản phẩm từ ngà voi và 8.327tin/bài đăng quảng cáo các sản phẩm từ hổ.
Các sản phẩm chế tác từ ngà voi chiếm ưu thế tuyệt đối, với 94% trong tổng số 8.232 tin bài quảng cáo. Giá của các sản phẩm từ voi đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2017 – 2023. Ngoài ra, sừng tê giác thô cũng là mặt hàng được rao bán phổ biến, cũng như các sản phẩm chế tác từ sừng như vòng đeo tay, bùa hộ mệnh, và cao sừng tê giác.
Các sản phẩm từ động vật hoang dã đã ghi nhận nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Khi đó, nhu cầu mua các sản phẩm từ hổ, chủ yếu làm quà tặng, tăng cao và xuất hiện nhiều bài rao bán. So sánh dữ liệu Tết 2023 cho thấy số lượng bài quảng cáo tăng đáng kể so với trước Tết 2022, và chỉ giảm nhẹ sau kỳ nghỉ Tết (tức tháng 2/2023).
Từ nửa cuối năm 2022 đến tháng 6/2023, số lượng tin bài giảm 9,8%, trong khi số người bán giảm 28%. Nguyên nhân chính là do các tài khoản buôn bán động vật hoang dã số lượng lớn trên nền tảng Zalo bị khóa, do vi phạm quy định về tiêu chuẩn không đăng tải, lưu trữ, hoặc truyền tải thông tin liên quan đến động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, không ngoại trừ việc hệ sinh thái khép kín của các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội đã gây khó khăn trong việc giám sát toàn bộ các tin quảng cáo và giao dịch trực tuyến. Điều này dẫn đến khả năng số lượng mặt hàng động vật hoang dã được quảng cáo thực tế cao hơn đáng kể so với số liệu đã ghi nhận.
Trách nhiệm tăng cường giám sát, sàng lọc nội dung mạng
Để ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật, việc giám sát và nhận diện các hành vi vi phạm cần được nâng cao thông qua một loạt biện pháp cụ thể và thiết thực.
Trước hết, các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cần chú trọng nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên tham gia trực tiếp vào việc kiểm duyệt nội dung trực tuyến. Tích hợp từ khóa và hình ảnh liên quan đến các sản phẩm hoặc hành vi buôn bán ĐVHD trái pháp luật vào hệ thống sàng lọc tự động. Việc xây dựng và cập nhật danh mục từ khóa, biểu tượng cảm xúc và hình ảnh mã hóa thường được sử dụng bởi các đối tượng vi phạm là yếu tố then chốt.
Đặc biệt, việc lồng ghép quy định cấm buôn bán ĐVHD trái pháp luật vào chính sách của các trang mạng và thương mại điện tử, phân công nhân viên kiểm duyệt thường xuyên để cập nhật các hình thức mã hóa mới, đảm bảo các biện pháp luôn theo kịp sự tinh vi của các đối tượng vi phạm.
Các cơ quan thực thi pháp luật cần hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm cả Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam/Bộ NN-PTNT để phòng chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật.
Đối với các tổ chức phi chính phủ, tiếp tục duy trì giám sát thường xuyên các nền tảng trực tuyến để theo dõi các xu hướng mới, các sản phẩm mới và các hình thức giao dịch buôn bán ngầm liên quan đến ĐVHD trái pháp luật. Trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các kênh truyền thông chính thống khác để truyền tải thông điệp và cảnh báo người tiêu dùng về tính trái phép, hàng giả và hoạt động lừa đảo của việc buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD trực tuyến trái pháp luật.
Báo cáo khảo sát tình hình buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên các nền tảng trực tuyến nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, nhằm giúp Việt Nam giải quyết tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, hỗ trợ bảo vệ các loài có nguy cơ bị buôn bán trái pháp luật vào Việt Nam.
Dự án huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp trung ương, cấp tỉnh, khu vực tư nhân, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm tăng cường cam kết và hành động kịp thời để thực hiện các cam kết khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Nguồn: nongnghiep.vn