Nghệ An đất rộng người đông, phân chia thành 3 vùng riêng biệt nhưng nhịp độ phát triển không đồng đều, riêng khu vực miền núi tụt lại khá xa so với đồng bằng và miền biển.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể, sự khác biệt trên đến từ mức độ lan tỏa của những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN).
Thực tế đây là Chương trình mục tiêu quốc gia có phạm vi rộng chưa từng có, quy mô rất lớn nhưng mới áp dụng nên thủ tục pháp lý chưa theo kịp thực tiễn trong những năm đầu, điều đó làm ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ giải ngân chung. Sang đến năm 2024 tình hình chuyển biến rõ rệt khi Trung ương linh hoạt điều chỉnh một số nội dung vướng mắc theo đề xuất của các Bộ, ngành, đặc biệt là địa phương, cơ sở.
Chương trình lan tỏa góp phần thay đổi khá toàn diện của dải đất khó, qua 3 năm kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt… tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông đã được nâng tầm thấy rõ.
Trong tổng thể Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN, lan tỏa hơn cả là những nội dung đầu tư, hỗ trợ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5).
Chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2, Dự án 9), chính sách đối với người có uy tín (Tiểu dự án 1, Dự án 10)…, tất cả góp phần tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại miền Tây xứ Nghệ.
Thuộc diện thụ hưởng, huyện Tương Dương đánh giá cao các chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, bao gồm Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN. Nhờ chương trình địa phương đã giảm tải được muôn vàn áp lực đè nặng bấy lâu, thể hiện qua bước tăng trưởng khá của ngành nông nghiệp, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng KT-XH được nâng cấp; lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoàn thành 16/17 xã, thị trấn sạch về ma túy.
Nổi bật có thể kể đến Tiểu Dự án 1 của Dự án 9 về “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”. Từ kinh phí phân bổ huyện Tương Dương đã sử dụng nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống điện, đường vào khu sản xuất của bản Văng Môn, xã Nga My. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, UBND xã Nga My đã hỗ trợ cho 6 bà mẹ mang thai và 38 trẻ em dưới 5 tuổi để tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh.
Với Tiểu Dự án 2 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù”, từ nguồn vốn giao địa phương này đã tổ chức truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các điểm trường với 3.666 lượt học sinh tham gia.
Nguồn: nongnghiep.vn