Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của ngành tài nguyên môi trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, lần đầu tiên mọi lĩnh vực quản lý đều có luật điều chỉnh, nhất là những lĩnh vực quan trọng như đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước…
Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động, ngành tài nguyên môi trường đã góp phần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, mở ra hướng giải quyết nhiều vướng mắc, tồn đọng. “Thay vì không quản được thì cấm hay chỉ thuận lợi cho cơ quan quản lý, thì cần kiến tạo, mở ra không gian đổi mới, sáng tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân; tạo động lực, tư duy mới”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những thành tựu, Phó Thủ tướng nhìn nhận quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, trong đó có xác định vị thế của các ngành, lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Chất lượng môi trường, cuộc sống chưa cải thiện triệt để, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đa dạng sinh học, nguồn nước đang suy giảm…
Theo lãnh đạo Chính phủ, thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không thể đảo ngược. Ông cho rằng, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT khi “môi trường cùng với phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm, trụ cột của phát triển”.
Môi trường, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất và không gian sống của người dân phải trở thành nền tảng cho phát triển bền vững, là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Thay vì phát triển trước, khắc phục hậu quả môi trường sau, Phó Thủ tướng định hướng, các vấn đề môi trường phải được đưa vào ngay từ khâu thiết kế, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội với các mô hình kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…
Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sáp nhập cùng Bộ NN-PTNT. Bộ mới sau hợp nhất cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tạo động lực mới cho quá trình chuyển đổi, trong đó môi trường là triết lý, nền tảng trong các lĩnh vực hoạt động
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhận xét, 2 Bộ có mối quan hệ gắn bó mật thiết, nếu Bộ này làm tốt thì Bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy hai Bộ hợp nhất “sẽ thành một mô hình phát triển, một mô hình đáng tự hào”.
Do đó, ông yêu cầu 2 Bộ tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “1 việc không giao cho 2 người”, “chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy”. Cơ cấu tổ chức bộ máy phải theo hướng “Trung ương tinh, tỉnh mạnh, cơ sở chuyên nghiệp”.
Đồng thời, tập trung suy nghĩ, bàn bạc nhằm xác định những nhiệm vụ, dự án trọng điểm quốc gia trong nhiệm kỳ tới; Đổi mới công tác xây dựng pháp luật, thể chế; Đẩy mạnh công tác phân cấp, tăng cường năng lực cho cơ sở; Đi đầu và là trung tâm trong chuyển đổi số quốc gia, cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, khí tượng thủy văn… cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Bộ mới cũng có trách nhiệm xây dựng và dẫn dắt thực hiện lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng “0”, thực hiện tốt sứ mệnh trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước khi bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Công tác đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất phải được quan tâm, đầu tư theo hướng hiện đại để cán bộ ngành tài nguyên môi trường có thể làm việc bằng 2, bằng 10 so với trước.
Nguồn: nongnghiep.vn