Ngày 23/12, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 14/2022 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 14/2022, qua rà soát toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 924 cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ trong khu vực không được phép chăn nuôi (diện tích nền chuồng nuôi từ 40m2 trở lên) với tổng diện tích nền chuồng nuôi đề nghị hỗ trợ hơn 93.906 m2. Kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ là gần 27,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Lập Thạch có 3 hộ, huyện Sông Lô 65 hộ, huyện Tam Dương 16 hộ, huyện Vĩnh Tường 71 hộ, huyện Bình Xuyên 20 hộ và thành phố Vĩnh Yên 38 hộ) làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi, chiếm 36% so với tổng số hộ chăn nuôi thuộc diện được hỗ trợ.
Đặc biệt, đã có có 129 hộ chăn nuôi tại 8 Làng Văn hóa kiểu mẫu thuộc 4 huyện (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương và Lập Thạch) đã được UBND cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Có 79 hộ chăn nuôi đủ điều kiện hỗ trợ, đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. 15 hộ đang thực hiện thủ tục để nghiệm thu hỗ trợ theo quy định, dự kiến kinh phí 194,2 triệu đồng.
Đối với các cơ sở chăn nuôi không thuộc đối tượng hỗ trợ, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các phường, thị trấn triển khai tới các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi mà không thuộc đối tượng hỗ trợ thực hiện viết cam kết không chăn nuôi theo tinh thần Nghị quyết số 14/2022.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và yêu cầu UBND các phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, không để xảy ra trường hợp phát sinh xây mới tại khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố, hiện không có hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại mới tại khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2024, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; sử dụng các giống vật nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyển dịch chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại được đầu tư đồng bộ về hệ thống chuồng nuôi và môi trường, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến để nâng cao khả năng thích ứng và tăng giá trị sản phẩm và nhân rộng các mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc: Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025 đặt mục tiêu tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực có lợi thế như lợn, bò, gia cầm, chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, nâng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2025 tăng bình quân 3%/năm.
Trong đó, đàn trâu, bò có mặt thường xuyên 16.500 con, đàn bò thịt 105.000 con, đàn bò sữa 16.500 con, đàn lợn 585.000 con, đàn gia cầm 12,5 triệu con…
Tuy nhiên rào cản lớn nhất của chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc là vấn đề đất đai, môi trường. Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi quy định điều kiện chăn nuôi của các địa phương Đồng bằng sông Hồng với mật độ chăn nuôi là 1,84 đơn vị vật nuôi trên mỗi ha, thế nhưng thời điểm này tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt mốc 2,84 đơn vị vật nuôi. Giải pháp của tỉnh Vĩnh Phúc là chăn nuôi tập trung và chăn nuôi an toàn sinh học.
Nguồn: nongnghiep.vn