Đổi thay Phủ Quỳ
Ði dọc theo đường Hồ Chí Minh hôm nay, du khách gần xa có thể nhận thấy sự thay đổi của vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ với những cánh đồng cỏ mombasa ngút tầm mắt trên diện tích lên tới 2.230ha.
Hay những vùng nguyên liệu trồng ngô, hoa hướng dương trải dài bát ngát; những nhà máy, trang trại quy mô, bề thế với các thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ cao đang vận hành.
Đó là những thành quả hiện hữu từ dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch TH true MILK sau gần 15 năm Tập đoàn TH đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Đến nay, trên mảnh đất này đã hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao khép kín “Từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, quy mô đàn bò gần 70.000 con, trong đó có nhà máy sữa hiện đại với diện tích xây dựng 5,2ha, công suất chế biến đã đạt mốc hơn 1 triệu lít sữa/ngày
Đáng chú ý, TH còn hướng dẫn, liên kết với người nông dân trồng ngô, cỏ theo tiêu chuẩn canh tác sạch, bao tiêu sản phẩm, mỗi năm thu mua nguyên liệu với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng của hàng nghìn nông dân trong vùng dự án.
Đứng giữa cánh đồng ngô bạt ngàn đang vào vụ thu hoạch, ông Lý Hồng Dương – nông dân xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An – cho biết, gia đình có 6ha đất, đã dành 5ha để trồng ngô sinh khối bán cho trang trại bò sữa TH true MILK.
“Trước đây, chúng tôi cũng trồng ngô lấy hạt, mỗi năm chỉ được 1-2 vụ. Trồng xong phải bẻ bắp, phơi khô, tách hạt rồi lại phơi… rất nhiều công đoạn nhưng giá cả trồi sụt, lúc lên lúc xuống. Bây giờ, trồng bán cả cây cho TH nên ổn định hơn”, ông Dương nói.
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn Phạm Chí Kiên chia sẻ rằng sau hơn một thập kỷ từ khi các nhà máy của TH được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, huyện Nghĩa Đàn đã “thay da đổi thịt”.
Các dự án của TH đã góp phần tạo ra sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện Nghĩa Đàn.
“Với việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các trang trại, nhà máy của TH để phục vụ chăn nuôi bò sữa hay sản xuất đường, người nông dân có việc làm ổn định và thu nhập ngày càng cao, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện”, ông Kiên nói và dẫn chứng từ một vùng đất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo lên tới 23% thì đến nay số hộ nghèo của huyện Nghĩa Đàn chỉ còn 6,4%.
Quy trình sản xuất khép kín từ đồng cỏ đến ly sữa
Dẫn chúng tôi thăm nhà máy chế biến sữa tươi sạch nằm ngay bên đường mòn Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc sản xuất Nhà máy sữa tươi sạch TH cho biết, nơi đây có vị trí giao thông thuận lợi giúp vận chuyển sản phẩm đi khắp cả nước đồng đều và nhanh chóng nhất.
Nhà máy được thiết kế với công suất ban đầu 500 triệu lít sữa/năm, những năm gần đây đã được mở rộng và tăng công suất, đến đầu năm 2024 ghi nhận đạt 1 triệu lít sữa tươi/ngày. Việc gia nhập “câu lạc bộ 1 triệu lít” chỉ sau 14 năm thành lập là “tốc độ chưa từng có trong lịch sử ngành sữa thế giới” theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, đặc biệt là khi nguồn sữa nguyên liệu lại đồng nhất với một nguồn duy nhất là sữa tươi từ trang trại tập trung.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, toàn bộ quy trình từ khi sữa được vắt ra tới khi đến nhà máy sản xuất, sữa tươi nguyên liệu hoàn toàn không tiếp xúc với không khí. Đây là yếu tố quan trọng kiểm soát chất lượng sữa, khác biệt lớn giữa mô hình chăn nuôi công nghiệp và chăn nuôi bò sữa nông hộ.
Nhà máy xử lý chất thải không mùi – hình mẫu của mô hình kinh tế xanh
Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của TH nằm ở vùng hạ lưu sông Sào trên cao nguyên Phủ Quỳ. Con sông hiền hòa trở thành mạch nguồn tự nhiên khởi sinh, nuôi dưỡng và tạo nên sức sống mới cho vùng đất miền Tây xứ Nghệ. Năm 2011, nhà máy xử lý nước sinh hoạt đầu tiên của TH hoàn thành và đưa vào vận hành đã giúp tập đoàn tự chủ được nguồn nước trong sản xuất.
Hiện tại, TH đang sở hữu 3 nhà máy nước sinh hoạt với tổng công suất 14.500m3/ngày đêm. Các nhà máy được sử dụng công nghệ lọc Amiad – Israel – công nghệ xử lý nước sinh hoạt hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay, tự động 100%.
Ông Phạm Vinh Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phân bón xanh – mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường của Tập đoàn TH – cho biết: Chất thải từ quá trình chăn nuôi sau khi được xử lý đạt chuẩn trở thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ quay trở lại phục vụ các cánh đồng nguyên liệu cũng như cung ứng ra thị trường. Nhờ quy trình này cùng hàng loạt sáng kiến, Tập đoàn đã giảm thiểu được từ 60-70% phát thải khí metan so với các biện pháp thông thường.
Ngoài ra, trang trại bò sữa tại Nghệ An được đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời và chính thức hòa lưới điện quốc gia từ cuối năm 2020. Dự án này đã và đang mang lại nhiều lợi ích về giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần giảm tải hiệu quả cho lưới điện quốc gia.
Ông Cao Minh Hòa – Giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa tươi sạch TH – cho biết mỗi năm hệ thống pin mặt trời sản xuất hơn 7 triệu kWh. Theo tính toán, năng lượng chuyển hóa từ quang năng sang điện năng của hệ thống pin mặt trời ở trang trại giúp giảm phát thải tương đương trên 5.000 tấn CO2.
Nếu tính chi phí theo đơn giá điện mua vào, với sản lượng điện tự sản xuất được như hiện nay, mỗi năm đơn vị này đang tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo ông Hòa, nhiệt độ chuồng nuôi có lắp tấm pin năng lượng mặt trời trên mái luôn thấp hơn 4 – 5 độ C so với chuồng không lắp, mang lại sự mát mẻ dễ chịu cho bò sữa.
Với mục tiêu phát triển bền vững, Tập đoàn TH cũng đã nỗ lực giảm nhựa trong quá trình sản xuất như: thay thế túi nilon, thìa sữa chua từ nhựa dùng một lần bằng túi, thìa làm bằng nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường; cắt giảm lượng thìa sữa chua tặng kèm sản phẩm; bỏ hoàn toàn màng co nắp chai nước tinh khiết; giảm trọng lượng chai nhựa; giảm độ dày mác chai,… Áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, TH giảm hơn 600 tấn nhựa/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng.
Ngoài ra, TH đã triển khai các chương trình thu gom vỏ hộp sữa từ năm 2022. Vỏ hộp sữa sau khi thu gom sẽ được chuyển tới các đơn vị tái chế chuyên nghiệp và “tái sinh” thành các sản phẩm, vật dụng mới như tấm mái lợp, bàn ghế học sinh…
Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, lượng phát thải khí nhà kính tại Nhà máy Sữa TH giảm mạnh theo từng năm. Riêng năm 2023, phát thải khí nhà kính giảm xuống còn 0,09kg CO2/đơn vị sản phẩm – mức thấp vượt trội so với các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Tính chung đến nay, với cam kết đi đôi với hành động hướng tới Net Zero, các nhà máy của TH đã có nhiều sáng kiến giúp giảm đến 85% phát thải khí nhà kính so với trước đây, đồng thời bớt hàng trăm tấn nhựa mỗi năm.
Nguồn: nongnghiep.vn