Thông tư 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, xe mô tô, xe máy sản xuất dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng. Thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.
Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cấp.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết về lộ trình kiểm định khí thải xe máy đang lưu hành: Việc kiểm định khí thải đối với xe máy lưu hành chưa bắt buộc thực hiện từ ngày 1/1/2025 mà được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành (lộ trình).
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết: thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Luật này do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ ban hành quyết định lộ trình thực hiện kiểm định khí thải định kỳ với mô tô, xe gắn máy.
Được biết, hiện, Bộ Tài nguyên và môi trường chưa trình dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lên Chính phủ. Do còn chờ quyết định về lộ trình thực hiện nên việc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy chưa thực hiện ngay từ 1/1/2025.
Về phía vai trò của Bộ GTVT, theo quy định của luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản (Thông tư quy định về trình tự thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy) để sẵn sàng cho việc thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và trong đó có quy định về chu kỳ kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy.
Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Thống kê năm 2020, xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội chiếm 84%, tại TPHCM chiếm 91% và tại Đà Nẵng chiếm 90% trong tổng số các loại hình phương tiện giao thông. Giai đoạn 2025 – 2030 xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến, tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TPHCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Theo khảo sát, một xe máy di chuyển quãng đường trung bình 16,7km/ngày, tương đương với 6.095km/năm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 0,0236 lít/km. Nếu thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo, mức tiêu thụ nhiên liệu bình quân của mỗi xe tiết kiệm được 10,07 lít/năm.
Nếu tính trên toàn TP Hà Nội với hơn 6,1 triệu xe máy, lượng nhiên liệu hàng năm tiết kiệm được là gần 62 triệu lít và tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm ước tính hơn 1,8 nghìn tỷ đồng. Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy còn giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: nongnghiep.vn