Hoàn thành tất cả mục tiêu, nhiệm vụ được giao
Năm 2024, ngành lâm nghiệp gặp nhiều thách thức, theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo. Ngoài bão số 3, người làm rừng vấp phải biến đổi khí hậu bất thường, hiện tượng thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài tại nhiều địa phương nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Đây là tác nhân gây ra những đợt cháy rừng thiệt hại cả về người và của.
Một số địa phương vẫn tồn tại các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất trồng rừng manh mún, phân bố ở những nơi xa xôi, đòi hỏi chi phí cao.
Tuy nhiên, bằng sự đồng sức, đồng lòng, ngành lâm nghiệp đã tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng; cơ bản hoàn thiện hệ thống chính sách về lâm nghiệp, tạo nền tảng cho ngành đạt một số kết quả khả quan được nêu tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 26/12.
Nổi bật, có trồng gần 255.000ha rừng, vượt 4% kế hoạch năm, tăng 2% so với năm 2023; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22,7 triệu m3, vượt 1% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 9% so với năm 2023; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp ước khoảng 4,96%; thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 3.459,8 tỷ đồng, vượt 8,12% kế hoạch năm.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 17,29 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm 2024, tăng 20% so với năm 2023. Xuất siêu ước đạt 14,41 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
“Từng bước, lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực sự đóng góp và áp dụng vào thực tiễn sản xuất”, ông Bảo nói và nhấn mạnh thêm, rằng hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.
Hoạt động trồng rừng ngày càng trở nên “bền vững” hơn. So với năm 2023, diện tích rừng được cấp chứng chỉ tăng gần 2 lần, lên tới 139.187ha. Hiện tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ là 619.187ha, vượt xa mục tiêu đặt ra là 500.000ha vào năm 2025.
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy nhìn nhận, công nghệ phát triển giống lâm nghiệp thời gian qua phát triển tốt, nhất là những nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Không những vậy, viện còn chủ động xã hội hóa, thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều tổ chức, cá nhân, giúp đảm bảo tiến độ trồng rừng khoảng 300.000ha/năm.
Bà Thủy cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm có thể đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, giúp hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, cũng như đẩy mạnh việc số hóa trong việc điều tra, quy hoạch rừng, chỉ đạo, điều hành sản xuất.
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đào Quốc Luân nhận xét, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực lâm nghiệp năm 2024 đạt kết quả nổi bật. Chẳng hạn, Nghị định 58 quy định rất nhiều lĩnh vực mới, thậm chí rất mới; Nghị định 91 tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều năm qua ở địa phương…
Không thể không kể đến Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Luân, lâm nghiệp là ngành đầu tiên thực hiện quy hoạch trong 4 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ NN-PTNT nhưng lại được phê duyệt cuối cùng. Một trong những nguyên nhân là liên quan đến quản lý đất đai ở nhiều địa phương, khiến việc nghiên cứu, khảo sát và xây dựng luận cứ khoa học cần vững chắc, tránh để sai, để sót.
Phấn đấu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD
Trong năm 2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5-5,0%; trồng rừng tập trung 250.000 ha, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 5.000 ha; trồng 140 triệu cây phân tán; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 22,5 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD.
Phân tích kỹ những nội dung này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh vào giá trị xuất siêu. Nhiều năm qua, lâm nghiệp luôn chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất siêu cả nước. Riêng năm 2024, ngành xuất siêu hơn 14,4 tỷ USD – kỷ lục của các kỷ lục.
“Giá trị xuất siêu lớn nói lên rằng, ngành chỉ nhập khẩu một phần rất nhỏ. Hầu hết giá trị sản xuất đều do các tổ chức, cá nhân trong nước tạo ra. Dòng tiền ấy sẽ quay trở lại phục vụ chính những người làm rừng”, ông bày tỏ và tâm niệm, rằng phần lớn vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Nhưng nếu nỗ lực, quyết tâm, toàn ngành vẫn sẽ vượt qua.
Giữ vai trò trưởng ngành nhiều năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá, năm 2024 lâm nghiệp đã xô đổ rất nhiều kỷ lục đã lập ra trước đó. Theo ông, hiếm có năm nào mà lâm nghiệp lại hoàn thành và vượt toàn bộ chỉ tiêu được Chính phủ giao, trong đó có giá trị xuất khẩu (khoảng 17,3 tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng (gần 5%).
Để có kết quả này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, đóng góp to lớn nằm ở việc chủ động, tập trung hoàn thiện khung pháp lý vững chắc. Ông lấy ví dụ về việc xây dựng và ban hành Nghị định 27 quy định về việc tạm sử dụng rừng phục vụ xây dựng công trình trọng điểm quốc gia Dự án 500kV mạch 3.
Theo Thứ trưởng, hai đơn vị là Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị để hoàn thiện dự thảo Nghị định trong vòng 1 ngày. Cùng với sự quan tâm của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành, quá trình phê duyệt, ban hành được đẩy nhanh trong vòng 1 tuần. Nhờ gỡ được nút thắt này, đường dây 500kV mạch 3 đã được kéo thành công trong vòng 6 tháng, giúp ổn định lưới điện và cuộc sống người dân các tỉnh phía Bắc.
Trong những ngày cuối năm, khối lâm nghiệp tiếp tục tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 159 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giúp nhiều địa phương gỡ được khó khăn về quản lý các hạt kiểm lâm, cũng như các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị khối lâm nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng, ý thức một cách rõ ràng về vận hội của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. Ông cũng nhắn nhủ các đơn vị, rằng Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, chỉ bỏ những chỗ thừa, không phù hợp mà không hề mất đi chức năng, nhiệm vụ.
“Đây là cơ hội để những cán bộ có năng lực phấn đấu, thể hiện, tạo ra mảnh đất để triển khai, thực hiện các ý tưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị bày tỏ và đề nghị khối lâm nghiệp đoàn kết, thực hiện đúng định hướng đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật, hình thành và ổn định các chuỗi cung, góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân.
Lắng nghe ý kiến của các đơn vị nêu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị giao Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm nghiên cứu tổ chức hội nghị cho các địa phương, chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức về các nội dung, quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn