Vận chuyển lợn lậu từ Campuchia về Việt Nam
Ngày 26/12, Công an huyện Bến Cầu cho biết đã tiếp nhận và tiếp tục điều tra các đối tượng cùng tang vật liên quan đường dây vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.
Đây là đường dây vận chuyển lợn lậu từ Campuchia về Việt Nam do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 – Bộ Công an) triệt phá và bắt giữ.
Trước đó, lúc 3 giờ ngày 24/12, tại khu vực biên giới thuộc huyện Bến Cầu, nơi tiếp giáp giữa Campuchia – Việt Nam, lực lượng C05 phát hiện nhóm đối tượng hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam có dấu hiệu không qua kiểm dịch thú y, không khai báo cơ quan chức năng, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Các đối tượng đang vận chuyển lợn vào trạm cân Khang Trang (Nhà máy tôn thép Phúc Khang, tọa lạc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) để xác định trọng lượng thì lực lượng công an kiểm tra, bắt giữ.
Qua kiểm tra, Công an phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 47C-094.87 do ông Trần Minh Vũ, sinh năm 1977, ngụ tỉnh Đắk Lắk đang vận chuyển 190 con lợn từ biên giới vào nội địa, không qua kiểm dịch thú y, không khai báo các cơ quan chức năng.
Tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 37C-341.56 do ông Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1985, ngụ tỉnh Đồng Nai đang vận chuyển 161 con lợn không qua kiểm dịch thú y, không khai báo các cơ quan chức năng.
Lực lượng công an tiếp tục phát hiện ông Đào Thanh Phong, sinh năm 1989, ngụ tỉnh Bình Dương, điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 61C-521.31 đang chở 180 con lợn cũng không có kiểm dịch thú y, không khai báo các cơ quan chức năng. Tang vật tạm giữ gồm: 531 con lợn (chưa cân để xác định trọng lượng) và 3 xe tải nêu trên.
Ngoài ra, lực lượng công an còn phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Mau, sinh năm 1980, ngụ tỉnh Đồng Tháp và 3 đối tượng người Campuchia (chưa rõ họ tên, địa chỉ) là các đối tượng phụ trách dẫn đường, hỗ trợ để xe vận chuyển lợn nhập lậu vào Việt Nam. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Bến Cầu tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đường dây thu gom hơn 250 tấn lợn đã chết để mổ xẻ, bán ra thị trường
Cùng ngày, thông tin từ C05 cho biết, qua công tác nắm tình hình và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 21h00 ngày 21/10, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, C05 phát hiện một số đối tượng tổ chức thu gom lợn chết (có dấu hiệu bị bệnh dịch tả lợn châu Phi) từ các trang trại, trung tâm bán lợn nhưng không chuyển đi tiêu hủy theo quy định của pháp luật và hợp đồng xử lý chất thải đã ký mà tổ chức mổ, xẻ thịt để cung cấp cho các đầu mối bán ra thị trường làm thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, Tổ Công tác C05 phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương bắt quả tang đối tượng Đỗ Ngọc Bốn (sinh ngày 23/6/1990, thường trú tại tổ 11, KP7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đang cùng các đối tượng khác tổ chức mổ, xẻ thịt 15 cá thể lợn (đã chết) với tổng trọng lượng 2.144kg tại một lò mổ không có giấy phép (địa chỉ tại: số 54/6 đường Lê Nguyên Đạt, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa để bán, cung cấp làm thực phẩm. Mở rộng đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã thu gom hơn 250 tấn lợn đã chết để mổ, xẻ bán ra thị trường, thu lời bất chính hơn 4 tỷ đồng.
Trước tình hình và diễn biến phức tạp trên, C05 yêu cầu Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường các địa phương, đặc biệt là các địa phương có đường tiếp giáp với các nước láng giềng như Lào, Campuchia tập trung kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, nhất là dịp Lễ, Tết đang đến gần. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đảm bảo an toàn.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt và thực phẩm có xu hướng tăng cao nên hoạt động nhập lậu heo và gia cầm có xu hướng “nóng” lên.
Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg và Công điện số 12/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: nongnghiep.vn