Tại Tây Nguyên, các vườn sầu riêng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn làm hoa (bông). Ở thời điểm này, nhiều vườn, cây sầu riêng chỉ mới ra được hơn 1 cơi đọt. Trong khi, số cơi đọt đủ để cho cây sâu riêng làm bông là từ 2-3 cơi, do đó việc chăm sóc sầu riêng giai đoạn này là rất quan trọng.
Theo ông Phạm Duy Hồng, người có hơn 2ha sầu riêng ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thời tiết bất lợi của năm nay là nguyên nhân khiến việc “điều khiển” đi đọt sầu riêng không hiệu quả. Lúc này (đầu tháng 12) nhưng vườn của ông chỉ mới được 1,5 cơi. Với tình hình này, ông cho biết sẽ có 2 phương án.
Thứ nhất, là đợi thời tiết ổn định hơn, chờ sầu riêng đủ cơi (2 cơi) rồi mới xiết nước làm bông; Thứ 2, là đợi thời tiết khô ráo, dứt mưa sẽ tiến hành làm bông luôn. Nhưng nhìn chung, đều phải chờ thời tiết ổn định, nắng ráo sẽ tính tiếp.
Theo các nhà khoa học, giai đoạn làm bông, cây sầu riêng cần ra đủ đọt để có đủ lá (từ 2-3 cơi đọt). Bởi vì, vai trò của lá là tạo ra đủ dinh dưỡng đường bột và nhiều tiến trình biến dưỡng cần thiết cho sự ra hoa, đậu trái và nuôi trái. Do đó, thiếu lá hay thừa lá đều không tốt cho sự ra hoa, đậu trái và nuôi trái về sau.
Cụ thể, nếu cây không đủ đọt, thiếu lá thì sẽ ảnh hưởng ra hoa ít, rụng hoa, rụng trái gọi là rụng sinh lý. Nguyên nhân rụng này là do quá trình cây tự điều chỉnh khả năng nuôi hoa, nuôi trái của cây. Lúc này, nếu cần thiết, nhà vườn cần phải làm thêm cơi đọt trước khi xử lý ra hoa.
Ngược lại, nếu cây dư đọt, dư lá thì khi đó sẽ hạn chế ánh sáng, gió lưu thông vào tán cây tạo ra số lượng lá “ăn bám” (lá không có ích) sẽ làm tiêu hao dinh dưỡng của cây, đồng thời sâu bệnh phát triển nhiều hơn. Lúc này, nếu cần thiết, nhà vườn cần phải xén tỉa bỏ cành lá ăn bám.
Về dinh dưỡng, bắt đầu từ giai đoạn chuẩn bị cho cây sầu riêng ra bông, bà con cần quản lí dinh dưỡng thật tốt. Theo đó, khoảng 1 tháng trước khi kích thích ra bông để giúp những lá đang phát triển mau trưởng thành, không cho chồi mới mọc ra thêm gây cạnh tranh dinh dưỡng và cũng để kích thích sự phân hóa mầm bông. Bà con sử dụng phân Đầu Trâu AT2 để bón với liều lượng từ 1,5 – 2,5 kg/cây tùy theo tuổi.
Tiếp theo là thời điểm tạo khô hạn cho cây ra bông, khi cây ra được 2 – 3 lần đọt, và lúc đọt lần cuối có màu xanh đậm (khoảng 8- 9 tuần tuổi). Bà con cần chú ý, thời gian tạo khô hạn lâu hay mau tùy theo loại đất và thời tiết, khi ẩm độ đất xuống dưới 30% cây mới ra mầm bông.
Với thời tiết Tây Nguyên hiện nay, một vài nơi, mưa có thể kéo dài đến hết tháng 12, thậm chí tháng giêng năm sau, vì vậy, nếu làm bông giai đoạn này, nhà vườn có thể đậy bạt để ứng phó với tình hình này.
Các nhà khoa học cũng lưu ý, mặc dù sầu riêng cần giai đoạn khô hạn để ra bông, nhưng nếu đất quá khô và cây bắt đầu héo mà vẫn chưa nhú mầm bông thì cần phải “tưới nhấp” nước tránh cây bị suy, thậm chí chết cây do thiếu nước.
Cắt bỏ tất cả các bông ra trước và sau giai đoạn khô hạn để có các trái cùng cỡ và chín tập trung sau này. Ngoài ra, sau thời gian tạo stress khô hạn, việc tưới nước lại, có thể làm giảm pH đất gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và quá trình làm bông của cây sầu riêng. Vì vậy, bà con nên kiểm tra pH đất, nếu pH xuống dưới 6.5 thì cần bón vôi hay phân Đầu Trâu Bio-canxi để nâng pH lên.
Riêng việc phun Paclobutrazol cho cây ra bông: Việc xử lý ra bông liên tục nhiều năm bằng paclobutrazol có thể làm cây suy yếu, hiệu quả giảm dần và lưu tồn Paclobutrazol trong đất. Tốt nhất xử lý 2 năm nghỉ 1 năm và không nên xử lý ra bông 2 lần trong năm. Để cây ra bông nhiều có thể kết hợp 2 biện pháp phun paclobutrazol và tạo khô hạn cùng lúc.
Nguồn: nongnghiep.vn