Trong đợt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi lần này, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận sự tham gia tích cực của 9/12 địa phương. Trong đó, huyện Lấp Vò và thành phố Hồng Ngự là hai địa phương đi đầu trong thực hiện với diện tích chuyển đổi lần lượt là 625ha và 425ha.
3 địa phương còn lại là thành phố Cao Lãnh, huyện Tam Nông và huyện Cao Lãnh đã quyết định giữ nguyên cơ cấu cây trồng hiện tại, không tiến hành chuyển đổi trên diện tích đất lúa.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND các huyện sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn các xã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2025, ưu tiên phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa diễn ra đúng quy định và hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và giám sát.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế. Từ đó góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp người dân tăng thu nhập.
Năm 2024, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Đồng Tháp là trên 10.000ha. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm gần 7.000ha, trồng cây lâu năm 3.000ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 13ha.
Nguồn: nongnghiep.vn