Tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ
Năm 2024, GRDP tỉnh Cao Bằng đạt mức cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, đạt 6,74%, thu ngân sách đạt gần 2.524 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại do thiên tai nhưng ngành nông nghiệp Cao Bằng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, tăng trưởng vượt 0,05% kế hoạch đề ra. Diện tích cây trồng hằng năm và cây lâu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước, sản lượng một số cây trồng chủ lực tăng cao so với cùng kỳ (cây sắn tăng hơn 30%, cây thuốc lá tăng gần 34,5%, cây dong riềng tăng gần 63,6%, cây thạch đen tăng hơn 54,2%).
Sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm, năm 2024, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 19,9%, kết quả này có được nhờ lĩnh vực khai khoáng, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng vượt bậc.
Ngành thương mại, dịch vụ, vận tải tăng trưởng 7,2%, đóng góp tích cực vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế tỉnh Cao Bằng. Dịch vụ du lịch phục hồi, trong năm 2024 đón 1,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch tăng 9,8% so với năm 2023.
Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Cao Bằng lọt danh sách những điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do Booking.com công bố trong bảng xếp hạng 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024. Thác Bản Giốc lọt top 21 thác nước đẹp nhất thế giới được tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure lựa chọn để giới thiệu đến khách du lịch.
Điểm sáng đáng chú ý của tỉnh Cao Bằng trong năm 2024 là việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, địa phương đã khởi công cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Dự án được khởi công ngày 1/1/2024, đến thời điểm hiện tại, 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng được trên 93 km. Với tinh thần 3 ca, 4 kíp, vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió, các nhà thầu hiện đang huy động hơn 1.000 nhân sự và hơn 350 máy móc thiết bị triển khai 27 mũi thi công với nhiều hạng mục. Đến ngày 31/12/2024, dự án đã giải ngân được gần 1.200 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch vốn năm 2024.
Năm vừa qua, kinh tế cửa khẩu cũng là điểm sáng của tỉnh biên giới Cao Bằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 946 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 926 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
An sinh xã hội được đảm bảo
Năm 2021, tỉnh Cao Bằng được Chính phủ chọn là địa phương thí điểm thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ đó đến nay, tỉnh Cao Bằng đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện, riêng năm 2024, toàn tỉnh đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, dột nát.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, địa phương đã triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, chương trình, dự án hỗ trợ người dân khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, năm 2024, Cao Bằng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã hứng chịu 17 đợt thiên tai, trong đó cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Để khắc phục hậu quả, tỉnh Cao Bằng đã phân bổ hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai hơn 366 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và huy động từ sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cao Bằng cũng huy động trên 15.560 lượt người tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Cuối năm 2024, khu nhà ở tái định cư cho đồng bào bị thiệt hại, mất nhà hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình đã được khánh thành sau hơn 3 tháng thi công. Nhờ đó, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đã có cuộc sống ổn định, an tâm đón Tết.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, năm 2025, tỉnh Cao Bằng sẽ nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng và cửa khẩu Lý Vạn thành cửa khẩu quốc tế. Cùng với cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng sẽ có 3 cửa khẩu quốc tế, sẽ tạo ra động lực mới để tỉnh tăng tốc phát triển kinh tế.
Nguồn: nongnghiep.vn