Năm 2024, dù các thị trường xuất khẩu chính trên thế giới biến động khôn lường, nhưng với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, ngành gỗ Bình Định đã dồn nỗ lực và đạt được kết quả khả quan. Năm qua, lần đầu tiên ngành gỗ tỉnh này đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD, tăng 15% so năm 2023, chiếm 62% trong tổng kim khạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong năm 2024, riêng đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn đạt gần 435 triệu USD, tăng 12,1% so năm 2023; các sản phẩm dăm gỗ, viên nén đạt hơn 414 triệu USD, tăng 10,9%; các sản phẩm từ nhựa đan, hàng giả mây đạt gần 212 triệu USD, tăng 28,8%.
Theo ông Đỗ Minh Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Bình Định, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ ngoại thất của Bình Định có xu hướng tăng khá mạnh, các mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ; trong khi nhóm hàng nhựa đan, hàng giả mây tăng mạnh đến gần 30%; nhóm hàng dăm gỗ và viên nén vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng trên 10% so năm 2023.
“Trong năm qua, ngành gỗ Bình Định tiếp tục mở rộng thị phần tại các thị trường chính như: Hoa Kỳ, Canada (chiếm 50%); EU (chiếm 33%); Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các thị trường còn lại chiếm 17%”, ông Đỗ Minh Dưỡng chia sẻ.
Trong năm 2025, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nhận định, ngành gỗ vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về đơn hàng, khách hàng. Minh chứng là trong tháng 1/2025, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã thiếu đơn hàng của mùa hàng 2024-2025 thường kéo dài đến tháng 4 tháng 5/2025. Nguyên nhân chính là do xung đột địa chính trị Nga-Ukraine kéo dài; xung đột Israel-Hamas lan rộng dẫn đến cước vận chuyển đường biển tuyến Á – Âu; Á – Mỹ tăng mức cao.
Bên cạnh đó, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh vẫn đang chịu tác động lớn của lãi suất cao, chính sách thắt chặt tiền tệ khiến nhiều tập đoàn phân phối, bán lẻ đồ gỗ phải đóng cửa hàng hoặc bị phá sản; nhiều quy định mới như EUDR, CBAM (EU), Lacey (Hoa Kỳ) cũng là những thách thức lớn cho ngành gỗ Việt Nam, trong đó có Bình Định.
Trước bối cảnh trên, ngành gỗ Bình Định đề ra chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng; cấu trúc lại năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phù hợp theo năng lực, điều kiện của từng doanh nghiệp; tập trung sản xuất các nhóm hàng có giá trị gia tăng cao để năm 2025 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng từ 7-10% so năm 2024.
Nguồn: nongnghiep.vn