Khách miền xuôi chi hàng chục triệu đồng mua địa lan Sa Pa
Cũng giống như mọi năm, quốc lộ 4D đoạn chạy qua xã Cốc San (thành phố Lào Cai) tới Sa Pa, có rất nhiều nhà vườn bày bán địa lan ven đường.
Ông Dương Công Đức có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng địa lan tại Tả Phìn (Sa Pa). Từ cuối tháng 10 âm lịch, ông đã di chuyển toàn bộ vườn địa lan gần 300 chậu xuống vùng thấp Cốc San để tránh rét. Tại đây, nhà vườn cho hoa tắm nắng để có màu sắc bắt mắt hơn và cây không bị chết khi nhiệt độ Sa Pa xuống quá thấp, chỉ 6-12 độ C.
“Năm nay, có nhiều chậu địa lan có giá vừa với túi tiền người tiêu dùng, phù hợp thị hiếu chung. Tuy nhiên, vẫn có những khách hàng say mê địa lan Sa Pa sẵn sàng chi ra 50-70 triệu đồng rinh hoa về bày Tết. Các khách hàng này thường mua từ sớm, không phải vì giá bán mà vì chọn trước sẽ được những chậu lan đẹp hơn”, ông Dương Công Đức cho hay.
Hiện, giá địa lan Sa Pa dao động từ 100-300 nghìn đồng/cần. Tùy thuộc độ dài, ngắn của cần, số lượng bông và hoa có đẹp hay không? Số lượng cần cũng giúp việc định giá mỗi chậu địa lan dễ dàng hơn. Song cần hoa địa lan đẹp thuộc loại cực phẩm có thể lên tới 700 nghìn đến cả triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng là bí mật của những nhà vườn với khách hàng.
Sa Pa có nhiều xã vùng cao, nhưng chỉ người dân ở xã Tả Phìn mới trồng và nhân giống nhiều loại hoa lan. Các xã Sa Pả, Hàm Rồng có độ cao tương tự nhưng hoa trồng ra chưa được đẹp. Mặt khác, ở Tả Phìn, bà con đã có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc để hoa nở đúng dịp Tết. Hoa không bị thối hỏng khi thay đổi thời tiết đột ngột…
Tại địa bàn xã Cốc San, hiện có nhiều khách hàng lái xe ô tô từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… lên chọn mua hoa địa lan. Có những nhà vườn sẵn sàng chốt giá mềm để bán gọn luôn hàng chục chậu. Gần như các nhà vườn thường không phải bán địa lan tới tận giáp Tết vì đa số đều hết hàng sớm…
So với các năm trước, vị trí bán của các nhà vườn thường không thay đổi. Họ phải chi trả từ 15 đến hơn 30 triệu đồng để thuê mặt bằng và ăn ngủ luôn tại chỗ đến lúc bán hết số hoa lan đã trồng trong năm. Sau mỗi năm, giá mặt bằng tăng, nhưng hầu như các nhà vườn đều chấp nhận vì có những khách quen.
Ông Lương Minh Tuấn, chủ nhà vườn cũng ở Tả Phìn. Từ nhiều năm nay, ông thuê mặt bằng của một biệt thự đối diện UBND xã Cốc San với giá khoảng 18 triệu đồng. Nhà vườn này có tiếng chỉ bán những cây địa lan đẹp và bày sẵn trong những chậu gỗ lũa. Tuy nhiên, năm nay, ông quyết định bán rẻ các chậu địa lan bởi tai nạn hi hữu. Ông phải nằm viện vì xe chẹt vào tay, chân do cứu chiếc bán tải của khách hàng mải xem hoa, không kéo phanh tay.
Tuyết rơi, hoa lan Trung Quốc tăng nhẹ
Hoa địa lan Sa Pa, được mệnh danh là vua của các loài hoa Tây Bắc song cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh với những dòng lan Trung Quốc trên thị trường. So với địa lan Sa Pa, hoa lan Trung Quốc có giá thấp hơn nhiều…
Theo các nhà vườn, nông dân Trung Quốc trồng lan theo quy mô công nghiệp, với nhà lưới, có phân bón riêng. Trong khi, bà con ở Tả Phìn chỉ dùng phân trâu, phân bò, phân ngựa nên công sức chăm sóc mỗi loại hoa một khác nhau.
Tuy nhiên, những nhà vườn đều thừa nhận, dòng lan Sato của Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến họ. Thậm chí, hoa lan Trung Quốc đã kéo giảm giá địa lan Sa Pa xuống rất nhiều.
“Hoa lan Trung Quốc thường cập nhật theo xu thế thị trường về mẫu mã, màu sắc. Cơ bản, lan của họ được nghiên cứu và đầu tư nhiều về khoa học công nghệ vì thế có thể thích ứng nhanh. Theo thị hiếu người tiêu dùng, kinh tế suy thoái, những giò lan nhỏ nhỏ 300-500 nghìn đồng trưng Tết là được rồi. Còn địa lan Sa Pa phục vụ những khách có điều kiện một chút”, ông Ngọc Khoa, người buôn bán hoa lan Trung Quốc cho hay.
Cho đến thời điểm này, hoa lan Trung Quốc đang có dấu hiệu khan hàng vì thời tiết lạnh giá. Theo những người buôn bán lan nhập khẩu, vì tuyết rơi khiến giá hoa lan Trung Quốc đã tăng nhẹ so với khoảng 2 tuần trước. Hoa lan đỏ rủ từ 380-400 nghìn đồng/chậu thì nay lên khoảng 530 nghìn đồng. Do đó, những thương lái đặt hàng từ trước thì có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 này.
Cây địa lan Sa Pa được bà con trồng từng củ, lấy từng nhánh. Sau 2-3 năm, địa lan mới có thể ghép lên chậu và xuất bán. Theo chủ nhà vườn chia sẻ: “Các nơi khác cũng trồng nhưng dễ vấp váp. Chi phí chăm sóc tốn kém, khiến biên độ lợi nhuận không cao nên khó gắn bó lâu dài. Tuy vậy, trồng địa lan vẫn cho thu nhập khá hơn nhiều so với trồng ngô, trồng lúa”.
Nguồn: nongnghiep.vn