Không còn lo thiếu thốn
Chị Siu Blưn sinh năm 1989, vào làm công nhân tại tổ khai thác số 6, Nông trường Ia Nhin, thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh từ năm 2016, đến nay đã ngót nghét được 9 năm. Công việc hiện tại của chị là công nhân khai thác. Mỗi năm, ngoài 9 tháng cạo mủ, 3 tháng còn lại chị tham gia chăm sóc vườn cây.
Với chị Blưn thì: “Được nhận vào làm công nhân của công ty là một may mắn lớn cho tôi và gia đình bởi trước đó, vợ chồng ở nhà làm nông năm được năm không, đời sống khó khăn. Còn bây giờ thì ngoài nuôi con ăn học, hàng năm còn có một khoản tích lũy tương đối”.
Cũng như bao người J’rai khác ở làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, Gia Lai), trước đây, đời sống gặp nhiều khó khăn, có năm phải chịu cảnh đói giáp hạt. Từ khi chị cùng nhiều người khác của làng vào làm công nhân cho công ty, cuộc sống ổn định và trở nên khấm khá. Chồng chị Blưn ở nhà chăm lo 1ha cà phê và 5 sào ruộng nước, hai con nhỏ thì ngoài giờ học, tranh thủ lo cho bầy bò 12 con. Còn chị, ngoài thời gian cạo mủ vào ban đêm, sáng sớm về nhà, nghỉ ngơi chút rồi dậy tranh thủ phụ giúp chồng việc ruộng vườn.
“Năm nay cà phê được mùa, được giá nên gia đình tích lũy được khoảng hai trăm triệu đồng. Ruộng nước thì đủ gạo ăn. Thu nhập của tôi mỗi tháng được 8 triệu đồng, đủ để trang trai cho các con ăn học”, chị Blưn cho biết.
Cũng ở Nông trường Ia Nhin, chị Nguyễn Thị Trang vào làm công nhân khai thác ở đây đã được 15 năm. Chồng chị Trang thì làm bảo vệ cho nông trường. Hai vợ chồng, thu nhập bình quân mỗi người 8 triệu đồng/tháng, chưa kể còn được thưởng nếu chị Trang cạo mủ vượt sản lượng, cũng đủ để lo cho ba đứa con ăn học.
“Ngoài thời gian làm việc ở nông trường, vợ chồng tôi còn tập trung chăm sóc 1 ha cà phê. Vụ vừa rồi thu hoạch được 15 tấn cà phê nhân, bán được 300 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi được 200 triệu đồng”, chị Trang vui vẻ nói.
Còn với công nhân Nguyễn Hữu Thành thuộc tổ 8, Nông trường Ia Nhin thì ngoài thời gian cạo mủ, chăm sóc 3 ha cao su nhận khoán, anh còn tranh thủ làm thêm đủ thứ nghề như thợ mộc, thợ xây nên cuộc sống khá ổn định. Thành bộc bạch: “Em rất mê cái nghề cạo mủ cao su này. Năm nào em cũng đi thi thợ giỏi do công ty và ngành tổ chức. Năm vừa rồi em được giải ‘Bàn tay vàng’ của ngành cao su”.
Hỏi về các chế độ đãi ngộ, Thành vui vẻ cho biết, công ty rất quan tâm đến đời sống của người lao động. Ngay cả những năm khó khăn nhất do giá mủ cao su xuống thấp, công nhân vẫn được nhận đủ các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ phụ cấp độc hại…
“Năm nay, chế độ thưởng Tết được áp dụng theo sản lượng công việc. Công nhân bọn em sẽ có một cái tết ấm cúng”, Thành nói.
Ưu tiên hàng đầu đối với người lao động
Công ty Cao su Chư Păh có diện tích vườn cây trên 9.000 ha, trong đó có gần 4.100 ha đang cho khai thác. Năm 2024, công ty đạt sản lượng 6.844 tấn mủ, bằng 102,15% kế hoạch. Tổng doanh thu trên 357 tỷ đồng, nộp ngân sách 24,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, công ty có 1.954 người lao động, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số có 1.268 người, chiếm tỷ lệ 64,9%. “Cũng như nhiều đơn vị làm cao su khác, Công ty Cao su Chư Păh luôn quan niệm rằng, để có được những vườn cây xanh tốt, cho sản lượng cao, đem đến doanh thu ổn định cho đơn vị thì công đầu tiên thuộc về những người trực tiếp tham gia chăm sóc và khai thác vườn cây. Do đó, đơn vị luôn ưu tiên hàng đầu đối với công nhân lao động”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải thì việc chăm lo đời sống đối với người lao động là công việc thường xuyên chứ không riêng gì ngày Tết. Ngay từ đầu năm, công đoàn công ty đã lên kế hoạch, báo cáo ban giám đốc về các chế độ, chính sách chăm lo cho người lao động. Theo đó, các chế độ về lương, thưởng luôn đảm bảo đúng, đủ và kịp thời, cam kết chi trả lương cho người lao động từ ngày 10- 12 hàng tháng. Ngoài ra, các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, chế độ độc hại, ốm đau, thai sản… luôn được công ty đáp ứng đầy đủ đối với người lao động.
Bên cạnh việc chăm lo tốt đời sống cho người lao động, công ty còn thường xuyên phát động và tổ chức nhiều phong trào thiết thực khác như phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phong trào phát triển kinh tế phụ. Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa, thể thao cũng luôn được công ty chú trọng tổ chức để người lao động tìm thấy niềm vui, qua đó hăng say trong công việc…
Công tác an sinh xã hội cũng được công ty quan tâm, như giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ địa phương trong các dịp lễ Tết. Qua đó, công ty được chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã luôn đánh giá cao.
“Việc giữ chân người lao động là công việc hết sức quan trọng. Mà muốn giữ chân người người lao động, cách tốt nhất là đảm bảo được đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho họ. Do đó, chăm lo tốt đời sống cho người lao động là công việc mà công ty luôn đặt lên hàng đầu”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Chư Păh: “Lãnh đạo công ty luôn có chủ trương rằng, có thể tiết giảm các chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng với các chế độ đối với người lao động thì phải luôn đảm bảo. Có như vậy, công nhân mới yên tâm sản xuất, gắn bó với công ty”.
Nguồn: nongnghiep.vn