Hà Nội từng bước đưa chính sách nông nghiệp vào cuộc sống
Theo ông Nguyễn Tiến Hồng – Trưởng phòng Kỹ thuật và chính sách nông nghiệp (Sở NN-PTNT), đến nay, các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 08; ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo cụ thể để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Khi chính sách được áp dụng sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên trên 70%, phát triển chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh.
Tại hội nghị, 12 ý kiến đại diện cho các huyện, hợp tác xã cho rằng, Nghị quyết số 08 đã giải quyết được một số khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trước đây và đón đầu xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai Nghị quyết gặp một số vướng mắc như: Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi thực hiện cá nhân, tổ chức đầu tư kinh phí lớn, cần xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất cần thiết như: Nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, nhà điều hành, nhà ở công nhân, tường rào, hàng rào. Nhưng theo Luật Đất đai sẽ không được thực hiện các công trình trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi áp dụng thực hiện chính sách này.
Các huyện rất khó khăn phải tổ chức công tác đấu thầu đối với chính sách hỗ trợ về giống vì ngoài tính thời vụ thì còn rất nhiều giống lúa khác nhau, trong khi đó, công tác đấu thầu mất nhiều thời gian (chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đấu thầu, mời thầu…)
Tạo cơ chế, chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 250 doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản… Song, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản.
Để doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững.
Trước hết, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt quy định phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong quản lý.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, cung cấp cho các doanh nghiệp tại địa phương các gói tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu. Điều này giúp giảm bớt rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.
Ngoài ra, hỗ trợ công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Nhà nước có thể cung cấp thông tin về công nghệ mới, hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm bớt công sức và tăng cường hiệu quả sản xuất.
Ngoài những chính sách trên, các sở, ban, ngành cũng cần xây dựng cơ chế khen thưởng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, địa phương có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên từng địa bàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để chính sách đi vào thực tiễn, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết từng hạng mục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai. Kinh phí của thành phố sẽ cấp đủ các huyện nhưng trên cơ sở các đơn vị phải xây dựng kế hoạch chặt chẽ, đúng quy định thì sẽ kịp thời triển khai trong vụ sản xuất nông nghiệp tới.
Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành đồng hành với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn