Nghệ nhân cần thay đổi để phát triển
Ngày 17/1, UBND huyện Lai Vung tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Bản sắc bền lâu – Khắc sâu giá trị”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống huyện Lai Vung năm 2025.
Tham gia buổi tọa đàm, ông Võ Hoàng Cương, Bí thư Huyện ủy Lai Vung cho rằng, những khó khăn và thách thức của làng nghề là điều không thể tránh khỏi, vì vậy mỗi nghệ nhân cần thay đổi để phát triển. Ông Cương dẫn ý: “Khi ngồi trước bóng tối, mỗi người hãy tự thắp lên một ngọn nến thay vì ngồi nguyền rủa nó. Thay đổi từ chính bản thân là cách duy nhất để chúng ta phát triển”.
Theo Bí thư Huyện ủy Lai Vung, về định hướng phát triển làng nghề, huyện chia thành 2 nhóm đó là, nhóm đáp ứng nhu cầu vật chất và nhóm cung cấp giá trị tinh thần.
Theo ông Cương, các sản phẩm truyền thống như: xuồng ghe, cần xé tre trúc hay giỏ đựng trái cây đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm làm bằng composite và nhựa. Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề vẫn có lợi thế nhờ tính thân thiện với môi trường. Nguyên liệu được làm hoàn toàn tự nhiên và dễ dàng xử lý sau sử dụng, phù hợp với xu hướng toàn cầu, hướng tới phát triển xanh và giảm thiểu đồ nhựa.
Qua đó, Bí thư Huyện ủy Lai Vung yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền và tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh tiếp cận chính sách nhanh chóng. Đa dạng hóa kênh phân phối, và kết nối với các doanh nghiệp lớn nhằm đưa sản phẩm làng nghề đến tay người tiêu dùng.
Doanh thu từ các làng nghề hơn 575 tỷ đồng/năm
Huyện Lai Vung hiện nay đang có 6 làng nghề truyền thống đã được công nhận, bao gồm: nghề làm nem Lai Vung, nghề đóng xuồng ghe xã Long Hậu, nghề trồng hoa giấy, nghề đan lờ lọp, nghề đan cần xé và nghề đan bội. Trong đó, làng nghề đóng xuồng ghe xã Long Hậu và nghề làm nem Lai Vung đã vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Trong những năm qua, huyện Lai Vung luôn chú trọng bảo tồn và phát triển các làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Nhờ những nỗ lực đó, các làng nghề tại huyện Lai Vung mang lại doanh thu hơn 575 tỷ đồng mỗi năm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2023.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đến nay các làng nghề đang có nguy cơ mai một. Phần lớn các hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư hạn chế và thiết bị công nghệ còn lạc hậu. Hiện nay, chỉ mới thành lập HTX nghề trồng hoa giấy, các làng nghề khác vẫn còn bỏ ngỏ. Sản phẩm OCOP từ các làng nghề truyền thống, chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Các sản phẩm thủ công truyền thống gặp khó khăn trong cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm nhựa sản xuất hàng loạt. Đồng thời thu nhập của lao động trong làng nghề còn thấp, dẫn đến khó thu hút người trẻ học nghề. Việc truyền nghề hiện chủ yếu dựa vào các nghệ nhân, do các trường đại học chưa đưa các nghề truyền thống vào chương trình đào tạo bài bản
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và giao thông phục vụ các làng nghề vẫn chưa được đầu tư đầy đủ, trong khi hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế. Bên cạnh đó, các sản phẩm làm từ vật liệu composite và nhựa như giỏ, cần xé tre trúc, ghế ngồi, hay xuồng ghe đang dần thay thế các sản phẩm thủ công truyền thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của các làng nghề.
Trăn trở của làng nghề đóng xuồng ghe
Cùng tham gia tọa đàm, nghệ nhân Bảy Tốt chia sẻ: Hiện nay, làng nghề đóng xuồng ghe chỉ còn khoảng 10 người theo nghề. Số lao động còn lại đã chuyển sang nghề khác khiến việc duy trì và phát triển nghề truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Đường giao thông dẫn đến làng nghề còn hạn chế, chưa có tuyến đường dành cho xe du lịch tiếp cận. Hơn nữa, các sản phẩm xuồng ghe truyền thống đang dần bị thay thế bởi các loại làm từ composite. Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt cũng khiến nhu cầu sử dụng xuồng ghe đánh bắt giảm mạnh.
Tôi mong rằng chính quyền có thể mở rộng tuyến đường từ xã Long Hậu đến trung tâm huyện để thuận tiện hơn cho việc giao thương. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền và xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm của làng nghề, giúp nghề truyền thống này có cơ hội phát triển bền vững hơn.
Theo ông Huỳnh Minh Trí – Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, riêng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài chưa được công nhận là sản phẩm OCOP, ngành chuyên môn của huyện đã rà soát và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm này để đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng để mở rộng cơ hội xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đi xa hơn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho làng nghề”, ông Trí nói.
Nghề làm nem Lai Vung còn dư địa phát triển
Bên cạnh nghề đóng xuồng ghe, nghề làm nem Lai Vung cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, trên địa bàn huyện, cơ sở Nem Hoàng Khánh nổi bật với 3 sản phẩm nem đạt chuẩn OCOP, nhiều hơn cơ sở khác trong khu vực.
Chia sẻ kinh nghiệm để đạt được thành công này, nghệ nhân Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở Nem Hoàng Khánh, cho biết: Chúng tôi luôn đặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cơ sở không ngừng lắng nghe ý kiến từ khách hàng gần xa để cải tiến chất lượng sản phẩm. Từng bước, cơ sở thay đổi mẫu mã, hương vị sao cho phù hợp với khẩu vị đa dạng của khách hàng, giúp hương vị sản phẩm nem trở nên ngon miệng hơn. Các nghệ nhân tại đây luôn nỗ lực nâng cao tay nghề, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, cơ sở kết hợp phát triển du lịch, mở cửa đón khách tham quan, thưởng thức nem tại chỗ.
“Chúng tôi hy vọng rằng những giá trị truyền thống này sẽ được giữ gìn để các thế hệ sau biết đến làng nghề và tiếp tục phát triển nghề làm nem, đưa sản phẩm quê hương đến với bạn bè trong và ngoài nước”, bà Thùy nói.
“Chúng ta cần trao cho người tiêu dùng niềm tin và hy vọng thông qua từng chiếc nem. Một chiếc nem Lai Vung không chỉ là sản phẩm lên men từ thịt, mà còn chứa đựng giá trị văn hóa và tinh thần độc đáo của người Lai Vung. Sản xuất phải minh bạch, không chỉ với cơ quan quản lý mà còn gắn với đạo đức nghề nghiệp, với tình cảm và hy vọng. Đây là những giá trị vượt thời gian, không gì có thể mua được. Đảng bộ và chính quyền và người dân cần chung sức hành động để bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề”, ông Cương đề nghị.
Kết luận tại buổi tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Lai Vung, ông Võ Hoàng Cương cho biết, địa phương đang triển khai chương trình phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Chương trình này sẽ giúp du khách khám phá các đặc sản miền quê, tham quan vườn cây ăn trái, và trải nghiệm thực tế cũng như tìm hiểu các làng nghề qua sự hướng dẫn của người dân địa phương trong không gian sống thật của cộng đồng. Đây là cách thức để đưa hình ảnh của địa phương đến gần hơn với đồng bào cả nước, đồng thời biến những giá trị truyền thống thành giá trị hiện tại.
Nguồn: nongnghiep.vn