Sự kiện do Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam chia sẻ: Sau 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), hiện Chương trình đã được triển khai rộng khắp ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã tham gia. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có trên 14.600 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có hơn 70% được đánh giá sản phẩm 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao, còn lại là sản phẩm 5 sao.
Chương trình Xúc tiến thương mại – Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương gồm hơn 80 đơn vị/30 tỉnh thành tham gia, với các sản phẩm đặc sản vùng miền đạt OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm của cộng đồng đồng bào Dao, Bahar, K’ho, Châu mạ, S’Tiêng, Ê Đê… đến các tỉnh miền núi ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên với các nhóm ngành hàng đa dạng, phong phú như thực phẩm, nông sản, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, mỹ phẩm thiên nhiên…
Thông qua các hoạt động trưng bày, giao thương, các hội thảo chuyên đề, giao lưu văn hoá, ẩm thực…, chương trình sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và mở rộng cơ hội hợp tác bền vững cho các doanh nghiệp cộng đồng. Sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo khảo sát, đánh giá, một trong những tác động nổi bật nhất của chương trình OCOP là thay đổi hiện trạng sản xuất của sản phẩm, thay đổi tư duy và quy trình sản xuất của các chủ thể OCOP, chuyển đổi từ kinh doanh đơn thuần sang sản xuất sản phẩm, các chuỗi sản phẩm OCOP ngày càng được liên thông qua liên kết vùng. Tiếp đến là sự thay đổi về bao bì, chất lượng sản phẩm và những đóng góp về mặt xã hội của chương trình OCOP.
Đặc biệt, chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực về mặt thương mại, đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên về các sản phẩm OCOP, qua đó lan tỏa hầu hết vào hệ thống phân phối, tạo điểm gặp gỡ giữa sản xuất và tiêu dùng…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, chương trình OCOP cần phải được tiếp sức để vươn xa, tạo trục sản xuất nông sản để xuất khẩu, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực và nâng cao giá trị gia tăng cho các chủ thể tham gia OCOP.
Theo ông Felix Tanedo – Điều phối Dự án AFOCO (Hiệp hội lâm nghiệp châu Á) khu vực châu Á, chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam được thành lập bởi Viện Sinh thái học miền Nam và chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ châu Á. NTFP-EP Việt Nam có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức còn có vai trò thúc đẩy việc sử dụng và quản lý rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học thông qua tăng cường năng lực của các cộng đồng phụ thuộc vào rừng và các doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ dựa vào cộng đồng.
Hiện chương trình đang thực hiện dự án AFOCO-CLMV-NTFP-EP châu Á về cải thiện sinh kế địa phương và liên kết thị trường. “Chúng tôi muốn đào tạo và nâng cao năng lực cho người dân (đồng bào dân tộc thiểu số) để phát triển các sản phẩm ngoài gỗ. Chúng tôi huấn luyện họ khả năng tiếp thị, tiếp cận đa dạng các thị trường lớn hơn. Khi họ có thể kiếm thêm được thu nhập từ các sản phẩm ngoài gỗ thì họ sẽ giảm việc chặt phá rừng, đốt rừng…”, ông Felix Tanedo chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Mỹ Dung, Quản lý chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ NTFP-EP Việt Nam cho hay: Chương trình nhằm mục đích bảo tồn rừng, đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Trong đó có áp dụng tiêu chuẩn đánh giá PGS, có sự tham gia của cộng đồng trong quá trình khai thác và giám sát.
Tiêu chuẩn PGS được xây dựng từ cấp địa phương và liên kết với các bên liên quan. Đồng bào dân tộc khi tham gia không đòi hỏi chi phí cao hàng năm để đánh giá lại, phù hợp với điều kiện của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi. Cộng đồng sẽ tự giám sát lẫn nhau thông qua mã QR code.
Theo bà Dung, hiện chương trình NTFP-EP đã hỗ trợ 3 nhóm sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt được tiêu chuẩn PGS, bao gồm nhóm mật ong PơKao ở Lâm Đồng, nhóm măng ở Kon Tum và nhóm trà hoa vàng Ba Chẽ ở Quảng Ninh. Thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm còn lại để đạt được các tiêu chuẩn này.
“Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương diễn ra trong 2 ngày (từ 18 đến 19/1) với không gian đặc biệt, vừa lạ vừa quen, thể hiện sự đồng hành của Bộ NN-PTNT cùng với Trung tâm BSA, các doanh nông và người tiêu dùng. Sự kiện gồm các hoạt động giao lưu giữa người bán, người mua với những sản phẩm độc đáo, trong đó có nhiều sản phẩm của cộng đồng đồng bào Dao, Ba Na, E Đê, S’Tiêng, Rak Ray….lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM”, ông Trần Ngọc Quyển, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng cho biết.
Một số hình ảnh tại sự kiện sáng nay:
Nguồn: nongnghiep.vn