Lối rẽ mới làm thay đổi một con người
Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, không ít người đã phải đưa ra những quyết định thay đổi nghề nghiệp để theo đuổi đam mê, tìm kiếm sự mới mẻ, hoặc đơn giản thích ứng với hoàn cảnh. Nhưng có lẽ ít ai dám từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi một lĩnh vực lạ lẫm, nhiều rủi ro.
Nhớ lại thời điểm đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt của bản thân thời điểm ấy, anh Trần Văn Thanh (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia) cho rằng, đó là một sự thoát ly khỏi vùng an toàn để khám phá giới hạn mới của chính mình.
Sinh ra và lớn lên tại một xã miền quê của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, tuổi thơ của anh Thanh là những buổi sáng tinh mơ thức dậy cùng hương thơm lúa mới, con sông hiền hòa chở nặng phù sa, những vườn cây đượm trái ngọt ngào.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thanh quyết định thi vào ngành hóa hữu cơ của trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp anh được nhận giảng viên của trường, gần 10 năm gắn bó với công việc nghiên cứu, giảng dạy, năm 2019 anh Thanh đã có một quyết định táo bạo chính là xin nghỉ việc để chuyển về Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia. Thời điểm đó đồng nghiệp ai cũng nói anh suy nghĩ bồng bột và tự làm khó bản thân.
“Dạy học giúp sinh viên có kiến thức nên rất đỗi tự hào, nhưng tôi cảm thấy thiếu đi một thứ gia vị gì đó trong công việc. Tôi yêu hóa học và muốn áp dụng những kiến thức mình vào thực tế nhiều hơn. Tình cờ, khi tham gia một buổi hội thảo về phân bón và tác động của nó đối với môi trường, tôi nhận ra rằng, công việc kiểm nghiệm phân bón là nơi tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và cũng là nơi giúp tôi phát huy hết khả năng của mình. Kể từ giây phút đó tôi đã biết mục tiêu của mình là gì”, anh Thanh chia sẻ.
Cảm giác “lạ lùng” ấy chính là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Mặc dù công việc giảng dạy đem lại cho anh sự ổn định và một tương lai chắc chắn, nhưng anh vẫn quyết định từ bỏ để lựa chọn công việc khảo kiểm nghiệm phân bón, nơi đòi hỏi không chỉ kiến thức khoa học mà còn cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và lòng nhiệt huyết.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu làm công việc khảo kiểm nghiệm phân bón, anh Thanh gặp không ít khó khăn. Là một người từng quen thuộc với giảng dạy lý thuyết trong phòng học, anh phải làm quen với công việc kiểm tra, phân tích mẫu phân bón, tìm hiểu về các hóa chất, thành phần dinh dưỡng và tác động của phân bón đến đất đai và cây trồng.
“Khác biệt lớn nhất khi chuyển sang công việc mới chính là môi trường thực tế. Mỗi mẫu phân bón là một thách thức, một bài toán mà tôi cần phải giải quyết đúng. Lúc đầu tôi cảm thấy bỡ ngỡ, phải học hỏi thêm từ đồng nghiệp đi trước, nhờ có nền tảng hóa học vững chắc, tôi dần thích nghi và tìm ra được hướng đi”, anh Thanh nói.
Tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, anh Thanh cùng các đồng nghiệp thực hiện các công đoạn phân tích, kiểm tra, khảo nghiệm các sản phẩm phân bón trước khi chúng được lưu hành ra thị trường. Công việc không chỉ yêu cầu vận dụng kiến thức hóa học mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn phân tích các thành phần của phân bón, từ các chỉ tiêu hóa lý đến các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Thay đổi để bứt phá
Đối với anh Thanh, mỗi ngày làm việc là một thử thách, bởi nghề kiểm nghiệm phân bón không chỉ đơn thuần là công việc giám sát chất lượng mà còn là trách nhiệm lớn lao. Một mẫu phân bón có thể chứa hàng trăm chỉ tiêu, từ thành phần hóa học, độ pH cho đến lượng dinh dưỡng có trong đó. Để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, mỗi bước kiểm tra phải chính xác tuyệt đối, do vậy đòi hỏi những người làm công việc này phải thực sự yêu nghề. Vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.
Trong điều kiện hội nhập thị trường quốc tế, các sản phẩm phân bón nhập khẩu ngày càng nhiều chủng loại, do vậy những người làm khảo kiểm nghiệm như anh Thanh phải không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, đáp ứng với nhiệm vụ công việc.
“Không chỉ là công việc của một kiểm nghiệm viên, chúng tôi đóng vai trò là người bảo vệ, hướng dẫn nông dân chọn lựa phân bón an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cộng đồng. Điều này khiến tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa”, anh Thanh chia sẻ.
Công việc khảo kiểm nghiệm phân bón đòi hỏi anh Thanh phải làm việc trong một môi trường vô cùng khắt khe, có khi phải làm việc xuyên đêm để hoàn thành các mẫu kiểm nghiệm đúng hạn. Những ngày dài lao động vất vả, sự căng thẳng và áp lực không ít lần khiến anh cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, anh luôn động viên bản thân rằng, công việc của mình không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.
“Mỗi lần thấy sản phẩm phân bón đạt chuẩn, tôi cảm nhận được công sức của mình không hề lãng phí. Đặc biệt, tôi rất vui khi biết rằng công việc của mình giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường”, anh Thanh chia sẻ với niềm tự hào.
Đối với anh Thanh, quyết định từ bỏ công việc giảng dạy không chỉ là việc thay đổi nghề nghiệp mà còn là sự lựa chọn theo đuổi đam mê, đồng thời cống hiến cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nơi có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu nông dân và người tiêu dùng.
“Cuộc sống đôi khi là những ngã rẽ, tôi cảm thấy may mắn khi đã có quyết định đúng đắn. Mỗi ngày làm việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, đi đến các vùng đất mới, được gặp bà con nông dân, tôi càng yêu công việc của mình hơn. Nếu được quay lại, tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”, anh Thanh cười, ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào.
Với những sự tận tụy và cống hiến hết mình với công việc, anh Thanh đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia chia sẻ: “Để đáp ứng những nhiệm vụ mới của trung tâm, chúng tôi luôn trọng dụng người tài về làm việc. Anh Thanh đã phát huy được tố chất nghề nghiệp, tạo dựng được thương hiệu của trung tâm và là ‘địa chỉ vàng’ trong lĩnh vực khảo kiểm nghiệm phân bón trên cả nước”.
Có những sự cống hiến không mong nhận được vinh danh, anh Thanh luôn trăn trở làm sao mỗi hạt gạo trên mâm cơm, mỗi sản phẩm nông sản của người Việt sẽ vươn khắp năm châu, để nông nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Nguồn: nongnghiep.vn