Làng gốm chờ Festival
Có mặt tại làng gốm cổ Biên Hòa vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi chứng kiến không khí xuân vui tươi đang về trên từng ngả đường dẫn vào làng gốm. Hàng trăm người thợ và nghệ nhân làm gốm đang hối hả tất bật để kịp cho các đơn hàng và chuẩn bị ra lò các sản phẩm gốm bán lẻ trong mùa Tết. Hơn bao giờ hết, tất cả những người làm gốm Biên Hòa đang rất vui và háo hức khi sắp đến Festival Gốm, được tổ chức vào đầu xuân mới năm nay.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nhà xưởng sản xuất rộng lớn, anh Trần Thanh Hiền, Tổ trưởng lò gas (Công ty CP Gốm Việt Thành) hào hứng chia sẻ: “Sản phẩm gốm chủ lực của xưởng chúng tôi là dòng chậu cây kiểng, vẫn thường được đặt hàng theo đơn trong năm, nhưng cứ đến mùa Tết thì đắt hàng hơn; đồng thời có nhiều dòng sản phẩm gốm dành riêng cho đơn hàng xuất khẩu”.
Theo anh Hiền, với các sản phẩm tương đối đơn giản thì mỗi ngày một thợ làm được khoảng chục sản phẩm thô, còn với riêng đơn đặt hàng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật điêu luyện thì các nghệ nhân phải bỏ nhiều thời gian công sức hơn. Hiện thu nhập bình quân của nhân công tại xưởng khoảng 13 đến 15 triệu đồng/tháng.
Tại các khu vực nhà xưởng sản xuất, mặc dù có những cây quạt gió để làm mát nhưng không khí cũng khá nóng bức và bụi bởi đặc thù môi trường của nghề gốm thủ công. Chị Đào Thị Thanh Trúc, một thợ gốm có thâm niên, tâm sự: “Tôi theo cái nghề này cũng được gần hai chục năm rồi, chỉ chuyên ngồi chấm men gốm như vậy nè. Kỹ thuật chấm men cũng cần phải tỉ mỉ một chút cho màu được sắc nét, tươi tắn đẹp hơn”.
Đưa vạt tay áo quệt những giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Đức Khởi, nghệ nhân tạo hình gốm của Công ty Việt Thành phấn khởi cho hay, bản thân anh rất tự hào về nghề gốm. “Chỉ còn mấy bữa nữa là cánh thợ chúng tôi sẽ được nhận lương thưởng và nghỉ Tết. Mọi người động viên nhau nỗ lực hết mình để hoàn thành sớm những mẻ hàng cuối năm”, anh Khởi nói.
Ở đây, đàn ông thường đảm nhận những công việc nặng nhọc như quết đất tạo hình theo khuôn, mài bóng gốm…, còn phụ nữ được ưu tiên làm những công đoạn nhẹ nhàng như vẽ hoa văn, tạo họa tiết cho các sản phẩm.
Chúng tôi chứng kiến tận mắt các thợ gốm tạo hình theo khuôn để hình thành sản phẩm, với đôi bàn tay nhanh nhẹn, mượt mà vuốt, xoay, cắt… rất gọn gàng khéo léo. Với công đoạn chuốt tạo hình, hiện nay nghề gốm đã dùng các bàn xoay tự động giúp việc chế tác thuận tiện hơn, tuy nhiên các công đoạn pha chế tạo nước men thì phải sử dụng công thức riêng, tùy theo từng màu sắc để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hoặc việc tạo hoa văn, họa tiết thì thường rất cầu kỳ, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ.
Khôi phục nghề gốm cổ Biên Hòa
Theo các nghệ nhân ở đây, đặc trưng của gốm Biên Hòa là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, sự phong phú về kiểu dáng, rắn chắc, mộc mạc trong trang trí, ổn định trong loại hình và dồi dào về số lượng cho nên luôn có thị trường ổn định.
Từng gắn bó với nghề gốm gần 20 năm, anh Mai Thanh Xin (chủ doanh nghiệp gốm Biên Hòa) là một trong số ít nghệ nhân được đào tạo bài bản về kỹ thuật, mỹ thuật và nỗ lực để làm “sống” lại dòng gốm cổ Biên Hòa nổi tiếng đang dần mai một.
Cầm trên tay một dòng sản phẩm gốm hoa văn truyền thống là bộ khay đĩa Bách Hoa được chế tác tinh xảo, anh Xinh chia sẻ: “Bộ khay này mang biểu tượng hoa sen có ý nghĩa như trăm hoa đua nở, mang lại điều tốt lành, vạn sự như ý, cát tường sinh phú quý. Các họa tiết trên sản phẩm đều được khắc chìm, chấm men truyền thống nên quá trình hoàn thiện mất nhiều thời gian hơn so với các sản phẩm khác”.
Đầu năm 2022, sau khi đã nghiên cứu nhiều mẫu sản phẩm gốm, anh tiếp tục lặn lội tìm kiếm và tập hợp nhiều nghệ nhân chuyên về gốm Biên Hòa từ các làng gốm nổi tiếng Tân Vạn, Tân Hạnh, Hóa An… cũng như nhiều thợ chấm men tay nghề cao để thành lập Công ty Gốm Biên Hòa, với đa dạng kiểu dáng và chủng loại như: đôn voi, đôn trống, đôn trụ, chóe, các loại bình hoa, đĩa trang trí, tượng thú, chân đèn…
Hiện doanh nghiệp của anh đã phát triển được hàng ngàn mẫu sản phẩm gốm và liên lục nghiên cứu ra mẫu mới nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Cứ nghiên cứu được 200 mẫu sản phẩm gốm thì tôi sẽ dừng sản xuất để sáng tạo, cải biến phát triển thêm mẫu mới nhằm tránh sự đại trà về mẫu gốm. Chúng tôi khát vọng phục dựng và phát triển gốm thủ công mỹ nghệ Biên Hòa để hòa chung dòng chảy lịch sử cùng các dòng gốm Việt khác”, anh Xin cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hoà cho biết: Làng gốm Tân Hạnh kế thừa những giá trị của làng gốm cổ có lịch sử hơn 300 năm. Hiện nay làng gốm được quy hoạch trên diện tích hàng chục ha, để vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế nghề gốm, bảo tồn những giá trị truyền thống.
Theo ông Thanh, nhằm phát huy giá trị gốm Biên Hòa, hiện các tour tuyến du lịch đều giới thiệu về gốm hay tổ chức các cuộc triển lãm; thậm chí đưa cả nghề gốm vào trong các trường học để giới thiệu cho học sinh hiểu về nghề gốm truyền thống cũng như kỹ thuật làm gốm. Đặc biệt, đầu năm 2025, lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức sự kiện Festival Gốm, kết hợp triển khai các công viên, con đường văn hóa có sự hiện diện của sản phẩm gốm.
‘Làng gốm Biên Hòa hay còn gọi là làng gốm Đồng Nai, có nguồn gốc từ vùng đất Biên Hòa và ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đây được xem là cái nôi của nhiều làng gốm nổi tiếng phía Nam. Những sản phẩm gốm sứ Biên Hòa không chỉ khẳng định giá trị nghệ thuật mà còn thể hiện sự khéo léo và tâm huyết của những người nghệ nhân nơi đây. Những nét đặc trưng về các họa tiết, hoa văn trên sản phẩm gốm mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh và phong thủy. Những họa tiết này đã và đang được phục dựng, kế thừa từ các nghệ nhân truyền thống’, ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn