Gõ cửa tương lai không chỉ với ánh mắt hướng về năm mới Ất Tỵ, mà còn niềm tự hào đứng trên bệ phóng năm cũ Giáp Thìn. Với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt mức 62,5 tỷ USD, ngành nông nghiệp tiếp tục làm điểm tựa cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hầu hết các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, lâm nghiệp đều tăng trưởng ngoạn mục. Thậm chí, nhiều mặt hàng nông sản trở thành thương hiệu được bạn bè năm châu ưa chuông như lúa gạo Việt Nam, cà phê Việt Nam, hồ tiêu Việt Nam, sầu riêng Việt Nam…

Minh họa của Trần Tiến Thành.
Thế giới đang biến động, nhưng người Việt Nam vẫn mạnh mẽ đi qua năm Giáp Thìn nhiều thử thách. Đó là sự cộng hưởng của chính sách kịp thời, tinh thần sáng tạo, hành động linh hoạt và bàn tay cần cù. Đã qua thời no dồn đói góp, người Việt Nam đã biết cách sống tận tụy vì cộng đồng, biết cách sống san sẻ cho nhân quần. Cụ thể là cách vượt qua cơn bão Yagi. Trước sự thịnh nộ của thiên nhiên, các tỉnh phía Bắc đã hứng chịu những thiệt hại nặng nề.
Thế nhưng, máu chảy ruột mềm, hàng triệu tấm lòng người Việt Nam khắp nơi đã cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc đứng dậy trên đất đai an ủi từng số phận. Và từ mất mát đau thương, các tỉnh phía Bắc đã hồi sinh để cùng đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Câu chuyện từ cơn bão Yagi đã góp thêm nhiều huyền thoại sau lũy tre xanh ngàn đời râm mát bóng dáng cha ông để gõ cửa tươi lai rực rỡ hơn.
Năm Giáp Thìn, người Việt Nam vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một tấm gương cộng sản trong sáng và mẫu mực. Di sản lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt và mạnh mẽ, không chỉ lấy lại tài sản mà còn lấy đạo đức cho xã hội. Kế thừa vị trí của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, Tổng Bí thư Tô Lâm phát động cuộc chiến chống lãng phí. Bởi lẽ, sự lãng phí làm kiệt quệ quốc gia hôm nay và tạo bất công với thế hệ ngày mai.
Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, sự lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chống lãng phí chắc chắn là một chủ trương lớn phải được thực hiện triệt để trong năm Ất Tỵ và nhiều năm sau nữa, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật”.

Sức sống Việt Nam.
Nền văn minh lúa nước đã hun đúc nên vẻ đẹp Việt Nam và bản lĩnh Việt Nam. Vì vậy, Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Thực tế, truyền thống canh tác và sản xuất nông nghiệp của nông dân Việt Nam khi kết hợp khoa học công nghệ đã mang lại những giá trị độc đáo cho diện mạo nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Với Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa được triển khai cuối năm Giáp Thìn, thì con đường càng rộng mở cho nông nghiệp Việt Nam trong năm Ất Tỵ. Nông nghiệp và nông dân cũng trực tiếp thụ hưởng quá trình tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kỷ nguyên mới hứa hẹn mùa màng mới. Phẩm chất chịu thương chịu khó của nông dân Việt Nam khi được sự kích hoạt của Nghị quyết 57 càng củng cố chiến lược “tri thức hóa nông dân” trong bức tranh xây dựng nông thôn mới. Nông dân Việt Nam không bảo thủ với kinh nghiệm được đúc kết phong phú, mà luôn sẵn sàng đón nhận những thành tựu khoa học công nghệ, đúng như câu thơ Lê Quý Đôn: “Từ nay châu lỗ xin siêng học, kẻo hỗ mang danh tiếng thế gia”.
Năm Giáp Thìn đã khép lại. Buồn hay vui, tiếc nuối hay bâng khuân cũng khép lại. Người Việt Nam gõ cửa tương lai bằng nhiều dự định mới, tin yêu mới hoài bão mới. Gõ cửa tương lai, để thấy mỗi cánh đồng Việt Nam thắp lên màu xanh khát vọng. Gõ cửa tương lai, để thấy mỗi dòng sông Việt Nam vỗ về câu hát yêu thương. Gõ cửa tương lai, để thấy mỗi ngọn núi Việt Nam vươn cao dáng đứng tự hào.
Nguồn: nongnghiep.vn