Vùng tre gần 6.000ha xóa nghèo cho hàng vạn hộ dân
Những ngày cuối năm Giáp Thìn, phóng viên có dịp trở lại một số xã trọng điểm trồng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) như Kiên Thành, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Hồng Ca… Ven những con đường đến các bản làng vùng cao là những rừng tre xanh mướt nối dài tít tắp. Nhiều ngôi nhà mới xây khang trang còn thơm mùi vôi vữa ẩn hiện bên những rặng tre tạo nên khung cảnh như phố trong rừng.
Theo nhiều người dân địa phương, sự khởi sắc của các bản làng là nhờ cây tre Bát Độ được du nhập từ Trung Quốc từ những năm 2000. Loài cây đa lợi ích này đến đây phủ xanh đất trồng, đồi trọc và dần thay thế các cây trồng kém hiệu quả như ngô, sắn, keo, bồ đề, chè, cọ… và từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, tạo thu nhập ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay, tỉnh Yên Bái có vùng tre Bát Độ hàng hóa gần 6.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Sau hơn 2 thập kỷ bén rễ sinh sôi, cây tre Bát Độ đã trở thành sinh kế chính, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Tre Bát Độ giống như cây các loài tre, vầu bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển nhanh. Sản phẩm chính từ tre Bát Độ là măng, mỗi năm sản lượng thu hoạch toàn tỉnh ước đạt gần 40.000 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 200 tỷ đồng.
Thời gian đầu, sản phẩm măng chủ yếu được một số thương lái, hợp tác xã thu mua, sơ chế và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư xây dựng nhà máy với dây chuyền sản xuất tiên tiến, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con, sản phẩm sau chế biến được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan…
Việc xuất khẩu các sản phẩm từ măng Bát Độ có tầm quan trọng đặc biệt bởi mang lại ngoại tệ cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, tăng giá thu mua để người nông có thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp, hàng năm xuất khẩu các sản phẩm măng có tăng trưởng nhưng lượng tăng không đáng kể. Chính vì vậy, để xuất khẩu bền vững sản phẩm từ măng Bát Độ, tạo đột phá cho mặt hàng này không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà cần có sự vào cuộc của người dân, chính quyền các địa phương trong việc canh tác, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.
Doanh nghiệp mua 5.000 tấn măng chế biến xuất khẩu
Công ty Cổ phần Yên Thành là doanh nghiệp tiên phong và gắn bó với vùng nguyên liệu tre Bát Độ từ những năm đầu phát triển. Hiện nay, Công ty đã xây dựng nhà máy, kho lưu trữ và dây chuyền chế biến hiện đại để thu mua, chế biến sản phẩm xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng trong năm 2024, Công ty đã thu mua gần 5.000 tấn măng tươi thương phẩm, tăng 30% so với năm trước. Sau chế biến, Công ty xuất khẩu hơn 200 tấn măng khô sang thị trường Nhật Bản và hơn 1.000 tấn măng muối cho đối tác Đài Loan.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành, hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm măng trên thế giới rất rộng mở, ngoài các thị trường truyền thống ở châu Á thì các thị trường Mỹ và châu Âu rất tiềm năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến trong nước chưa tiếp cận được các thị trường Mỹ và châu Âu.
Cái nôi của măng tre Bát Độ là Trung Quốc, do đó sản phẩm từ măng của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nước bạn. Lợi thế của Yên Bái là chất lượng măng tốt hơn, ngon hơn bởi khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, biện pháp canh tác của người dân còn thô sơ. Bên cạnh đó, chính sách thuế quan của nhà nước ưu đãi các mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu, tình hình chính trị ổn định nên các đối tác tin tưởng ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài…
Măng Bát Độ đã trở thành sản phẩm đặc sản của Yên Bái, việc bình ổn giá và đầu ra sản phẩm tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là đặc biệt quan trọng. Để phát triển bền vững, người dân cần tuân thủ nghiêm hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp có uy tín, đó là những công ty, hợp tác xã đã hỗ trợ giống, kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm tại địa phương. Tránh vì những lợi ích trước mắt mà bán sản phẩm cho những doanh nghiệp thu mua theo kiểu chụp giật mùa vụ.
Ngoài ra, cần tuân thủ tốt quy trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sạch, theo hướng hữu cơ… để bảo vệ thương hiệu, tránh bài học sản xuất chè bẩn đã từng xảy ra tại địa phương, bởi chỉ một bộ phận nhỏ sản xuất không đúng quy trình sẽ làm mất uy tín vùng nguyên liệu, khách hàng quay lưng, nông dân khốn đốn vì sản phẩm ế ẩm.
Mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu
Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam là doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 3.000 tấn măng tươi, sau đó chế biến xuất khẩu các sản phẩm măng muối và măng khô sang thị trường Nhật Bản với doanh thu hơn 23 tỷ đồng/năm. Trong năm 2024, Công ty đã xây dựng thêm nhà xưởng, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, nâng công suất thu mua, chế biến lên gấp đôi, dự kiến trong năm 2025 sẽ thu mua khoảng 5.000 tấn để tăng sản lượng xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Kiên Định, Giám đốc Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam, tre Bát Độ có nhiều lợi ích bởi cách trồng, chăm sóc khá đơn giản, nhiều nơi chỉ cần trồng, sau đó làm cỏ, chặt tỉa là đợi đến mùa thu hoạch măng. Giá măng ổn định và tăng từng năm nên đã khuyến khích được nông dân phủ xanh đất trồng, đồi trọc hoặc chuyển đổi vườn tạp, diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre lấy măng. Ngoài ra, khu vực trồng tre gần như không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên không những giảm chi phí đầu tư mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở, xói mòn đất.
Công ty mong muốn chính quyền địa phương, các nhà khoa học đồng hành cùng các doanh nghiệp để vận động bà con tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu. Khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ để có nguyên liệu sạch, chất lượng ngon đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Với khoảng 6.000ha tre Bát Độ, sản lượng khoảng 40.000 tấn măng mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu tiêu thụ tại thị trường trong nước thì chỉ 1/50 diện tích hiện có đã rất khó khăn. Vì vậy, người dân cần bắt tay với các doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ uy tín vùng nguyên liệu. Thực hiện nghiêm quy trình sản xuất và hợp đồng ký kết để mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm.
Nguồn: nongnghiep.vn