Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – nhấn mạnh, báo chí cần tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước. Báo chí không chỉ là công cụ truyền tải thông tin mà còn là nền tảng lan tỏa các giá trị cốt lõi của dân tộc, phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về các sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội XIV của Đảng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo chí cũng cần tập trung vào các nội dung tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo chí đối ngoại cần đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, đối ngoại của Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan báo chí cần phát triển các ấn phẩm, kênh thông tin bằng nhiều ngôn ngữ để tiếp cận hiệu quả với bạn bè quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan truyền thông quốc tế để lan tỏa thông tin chính thống, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam.
“Chất lượng đào tạo báo chí phải đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn phải sâu sắc về lý luận chính trị, am hiểu thực tiễn đời sống xã hội. Việc tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo, đặc biệt là các phóng viên trẻ, được coi là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên truyền trong tình hình mới”, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Ông đề nghị báo chí tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, khai thác tối đa lợi thế của công nghệ hiện đại. Cần phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng số, tận dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông hiệu quả để tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là giới trẻ.
Các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện để mỗi tác phẩm báo chí không chỉ là một sản phẩm thông tin mà còn là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa trích dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ trao Giải Búa Liềm vàng lần thứ 9 vừa qua: “Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là diễn đàn của nhân dân mà còn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước”.
Trước đó, phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội có những hoạt động thiết thực để kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước, cũng như dấu mốc rất quan trọng của những người làm báo là 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam.
Báo cáo công tác báo chí Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) – nhận xét, các cơ quan báo chí, chương trình truyền hình tập trung phản ánh không khí đón Xuân Ất Tỵ 2025 gắn với kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng.
Nhiều cơ quan báo chí có bài viết về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ông Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước, việc sắp xếp bộ máy trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch báo chí, cả nước đã giảm 58 cơ quan báo và khoảng 115 tạp chí. Thực hiện Nghị quyết số 18, dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm 51 cơ quan báo chí trên toàn quốc.
Nguồn: nongnghiep.vn