Năm 2021, huyện Chợ Đồn thực hiện đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, ngựa vỗ béo và sinh sản giai đoạn 2021-2025. Theo đề án này, huyện Chợ Đồn dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/con trâu, bò để người nghèo nuôi với mục đích sinh sản, tăng số lượng đàn.
Đối với các hộ nuôi vỗ béo, huyện sẽ hỗ trợ mô hình có quy mô nuôi từ 5 đến 10 con ngựa, 5 đến 20 con trâu, bò. Ngoài ra, các hộ tham gia đề án cũng được hỗ trợ 70% chi phí mua vật tư xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi.
Năm 2021, huyện Chợ Đồn hỗ trợ 31 hộ với tổng đàn duy trì, phát triển hơn 100 con, trong đó có 12 con bê, nghé được sinh mới.
Năm 2022, có 20 hộ được hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, những hỗ này phải đáp ứng điều kiện có diện tích trồng cỏ tối thiểu 360m2, có nhân lực, cam kết tái đàn sau khi kết thúc hỗ trợ của Nhà nước.
Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ được 173 con trâu, bò sinh sản cho các hộ dân, số nghé, bê sinh ra là 113 con nâng tổng đàn lên 284 con. Số trâu, bò, ngựa vỗ béo phát triển tốt mang lại thu nhập khá cho hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, bê, nghé sau khi sinh nếu nuôi từ 6 đến 8 tháng có giá bán từ 10 đến 15 triệu đồng/con, tổng giá trị đàn bê, nghé sinh ra hiện nay là hơn 1,6 tỷ đồng.
Gia đình anh Đặng Phúc Đường là hộ nghèo ở xã Tân Lập, năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ nuôi bò, đến nay đã sinh thêm 2 con bê.
Anh Đường cho biết, nuôi bò sinh sản hay vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt hoàn toàn. Điều kiện tự nhiên của địa phương có đất đai rộng, nguồn thức ăn dồi dào nên rất phù hợp. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, mùa đông tích trữ thêm rơm, trồng cỏ voi ủ chua để dự phòng, khi nuôi phải tiêm phòng đầy đủ.
“Với hộ nghèo, ban đầu muốn nuôi cũng không có tiền để mua giống vì một con trâu, bò có giá vài chục triệu đồng nên vượt quá khả năng, việc hỗ trợ là rất cần thiết giúp hộ nghèo có thêm sinh kế, tăng thu nhập”, anh Đường chia sẻ.
Ông Đồng Phúc Quận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Chợ Đồn) cho biết, đánh giá sau 3 năm triển khai đề án cho thấy, hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò phù hợp với điều kiện tại địa phương, các hộ được hỗ trợ thực hiện theo đúng cam kết, duy trì tổng đàn.
Hiện, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền người nghèo tham gia tham gia đề án, với những hộ đã tham gia đề án xã sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư thêm nguồn lực từ các chương trình khác để các hộ duy trì hoặc liên kết thêm với các hộ khác để mở rộng quy mô chăn nuôi. Mục đích của đề án giúp người nghèo có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.
Huyện Chợ Đồn phấn đấu đến năm 2025 duy trì tổng đàn trâu, bò, ngựa trên địa bàn khoảng 8.000 con. Riêng đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, ngữa vỗ béo và sinh sản sẽ giúp khoảng 150 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Ông Lục Đình Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn cho biết, đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu bò được bà con rất đồng tình ủng hộ, chúng tôi nhận định đề án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Do đặc thù các hộ nghèo, cận nghèo ít nhân lực, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, khi tham gia đề án được hướng dẫn nên hầu hết đã chuyển đổi từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt. Các hộ chủ động tích trữ thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt vào mùa đông.
Chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn, giám sát, không xảy ra hiện tượng sau khi được hỗ trợ các hộ bán ngay trâu, bò để lấy tiền tiêu. Sau một thời gian thực hiện có hiệu quả đề án tại huyện Chợ Đồn, hiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng tích cực dùng nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo chăn nuôi trâu, bò.
Nguồn: nongnghiep.vn