Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức gặp mặt các HTX, doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất lúa nhằm bàn giải pháp phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh tổ chức gặp mặt các HTX, doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất lúa. Ảnh: Trần Trung.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, dù là tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng Tây Ninh có diện tích lúa tương đối lớn lên đến 150 ngàn ha/3 vụ/năm. Những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh rất quan tâm phát triển ngành hàng lúa gạo, nhưng nhìn chung giá trị thu về từ ngành hàng này chưa cao.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, hiện nay, đa số nông dân bán lúa tươi cho thương lái (chủ yếu từ các tỉnh ĐBSCL). Do ở xa vùng sản xuất lúa tập trung, xa các cơ sở chế biến, quy mô diện tích trồng lúa ở mỗi vùng trên địa bàn tỉnh phân bổ không đồng đều nên sản phẩm lúa đến được cơ sở chế biến thường phải qua hai cấp thương lái làm cho lợi nhuận của người sản xuất lúa bị chia sẻ khá nhiều. Ðây là một trong những điểm bất lợi khiến tính cạnh tranh của cây lúa ở Tây Ninh không cao.
Ngoài ra, tỉnh chưa có cơ sở sản xuất lúa giống khiến tình trạng sử dụng giống lúa bị lẫn tạp, kém chất lượng vẫn còn phổ biến ở nhiều nông hộ, diện tích sản xuất lúa giống cấp xác nhận ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu… Đứng trước những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh kỳ vọng thông qua buổi gặp mặt, Trung tâm sẽ kịp thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp, HTX để tham mưu Sở NN-PTNT và UBND tỉnh xây dựng chính sách phù hợp để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo.

Ông Cao Văn Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Bình chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trần Trung.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Bình ở xã Phước Chỉ là một trong những HTX hoạt động hiệu quả. HTX hiện có tổng diện tích đất sản xuất lúa hơn 274ha. Năm qua, HTX đã làm tốt vai trò đầu mối tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định để các thành viên yên tâm sản xuất.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Cao Văn Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho rằng, để nâng cao chất lượng lúa gạo, các ngành liên quan cần tiếp tục xem xét, hỗ trợ đầu tư vùng quy hoạch sản xuất lúa đặc sản; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết “4 nhà”; chọn chủng loại giống đặc trưng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đưa vào sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo chất lượng; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất.
Là một trong những doanh nghiệp tích cực liên kết với nông dân sản xuất lúa gạo an toàn tại tỉnh Tây Ninh, ông Hồ Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm VIETFARM cho rằng, ngành hàng lúa gạo tại Tây Ninh đang có nhiều triển vọng phát triển nhờ điều kiện thuận lợi về giao thông và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp ngoài tỉnh khi đầu tư vào Tây Ninh cũng nhận thấy nhiều cơ hội từ vùng trồng, chất lượng lúa gạo, cũng như cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh.
VIETFARM cũng đã và đang liên kết với một số hợp tác xã để sản xuất lúa an toàn với tổng diện tích trên 700ha, việc hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân mang lại lợi ích cho cả ba bên. Cụ thể, doanh nghiệp có nguồn cung ổn định, chất lượng cao. Hợp tác xã gắn kết chặt chẽ với nông dân, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm còn bà con nông dân có thu nhập ổn định nhờ vào giá cả hợp lý và chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi giá thị trường là 7.000 đồng/kg, doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm 200 đồng/kg cho bà con để đảm bảo lợi nhuận.
“Trong năm 2025, VIETFARM đặt mục tiêu triển khai liên kết sản xuất khoảng trên 2.000ha, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng lúa gạo tại Tây Ninh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các thành phố lớn như TP.HCM. Công ty mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh là cầu nối để thu hút nông dân, HTX tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng lúa gạo”, ông Hồ Thái Sơn chia sẻ.

Một góc khu vực sản xuất giống lúa chất lượng cao sắp được đưa vào vận hành. Ảnh: Trần Trung.
Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, hiện nay, việc sản xuất giống lúa tại Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là sự phụ thuộc vào giống nhập từ các tỉnh khác khiến giá lúa giống cao. Để khắc phục vấn đề này, Trung tâm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất nhằm chủ động hơn trong sản xuất giống.
Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Sở NN-PTNT tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã được đầu tư nhiều cơ sở vật chất quan trọng phục vụ công tác sản xuất giống lúa như 2 kho chứa lúa với sức chứa trên 500 tấn, lò sấy có công suất 25 tấn/mẻ cùng máy tách hạt và hệ thống silo chứa lúa sau khi thành phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất giống lúa góp phần nâng cao chất lượng lúa và giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh sẽ đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo. Trong đó, Trung tâm sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX và nông dân. Đồng thời, Trung tâm cũng hợp tác với các viện, trường và doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời, ThaiBinh Seed… để kết nối sản xuất và tiêu thụ giống lúa, giúp giảm giá thành và tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Với những điều kiện hiện có và sự định hướng trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong sản xuất giống lúa, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân trong tỉnh.
Nguồn: nongnghiep.vn