
Quỳnh Liên đang tồn đọng lượng lớn rau màu do sức tiêu thụ giảm mạnh. Ảnh: Ngọc Linh.
Quỳnh Liên là xã bãi ngang của thị xã Hoàng Mai, được xem là vựa rau màu lớn của tỉnh Nghệ An với quy mô 350ha. Trong đó cây su su giữ vai trò chủ lực với diện tích khoảng 70ha, năng suất bình quân 100 – 120 tấn/ha. Ngoài su su còn có cà rốt, những mặt hàng này đều đã được công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2023.

Cà rốt và su su là 2 mặt hàng chủ lực của xã Quỳnh Liên. Ảnh: Ngọc Linh.
Thương hiệu ngày càng được củng cố giúp nông dân Quỳnh Liên có được nguồn thu tốt từ nghề trồng màu. Dù vậy từ sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ đến nay, giá nhiều loại rau màu tụt mạnh khiến nông dân nơi đây lao đao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Vỹ, trú tại thôn Đại Đồng, xã Quỳnh Liên trồng 15 sào su su cho biết, giá quả su su từ 6.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ nay rớt xuống chỉ còn vài trăm đồng/kg. Giá rẻ như bèo, kết hợp sức mua giảm mạnh dẫn đến vườn su su của anh Vỹ tồn đọng hàng chục tấn quả.

Những hộ như gia đình ông Nguyễn Văn Vỹ đang rất lo lắng do giá su su giảm thê thảm. Ảnh: Ngọc Linh.
“Đợt này tình hình không như ý muốn, giá cả, sức mua đều giảm. Mỗi lần thu hoạch gia đình tôi phải thuê mướn người làm mất 2 triệu đồng nhưng chả bán được bao nhiêu, số dư thừa phải gom lại một chỗ, với thời tiết mưa ẩm hiện tại cùng lắm chỉ giữ được một tuần thôi, nếu không bán được là thối rữa ngay”, anh Vỹ âu lo.
Những hộ trồng cà rốt tại Quỳnh Liên cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Càng xót xa hơn khi năm nay được mùa, cây cà rốt sinh trưởng nhanh, cho củ mập mạp, kích thước đều đặn, có điều giá cả lại tỷ lệ nghịch. Nhiều hộ trồng cà rốt cho biết nếu thị trường không nhích dần lên, nguy cơ cao sẽ lỗ chổng vó.

Chị Hồ Thị Ngân cho biết giá cà rốt hiện chỉ 4.000đ/kg. Ảnh: Ngọc Linh.
Chị Hồ Thị Ngân trú tại thôn Liên Hải buồn bã: “Năm nay cà rốt được mùa nhưng rớt giá thảm hại. Đầu mùa giá cà rốt duy trì mức 7.000 – 8.000 đồng/kg, dịp sát Tết giảm sâu hơn một nửa, những ngày gần đây thì chỉ còn 4.000 đồng/kg. Nào giống, nào phân, rồi chi phí thuê người làm… nhưng với giá cà rốt rẻ mạt như hiện tại người trồng chỉ lấy công làm lãi”.

Vòng quay luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là nỗi ám ảnh thường trực với những vùng trồng màu như Quỳnh Liên. Ảnh: Ngọc Linh.
Theo ông Cao Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên, thông thường trước và sau Tết Nguyên Đán thị trường khá tập nập, riêng những thị trường lớn như TP.HCM hay các tỉnh miền Trung tiêu thụ lượng rau đáng kể cho Quỳnh Liên, tuy nhiên đợt này sức mua qua thấp, tính ra mới được khoảng 30 – 40 tấn, chỉ bằng một phần nhỏ của năm trước.
Nguồn: nongnghiep.vn