
Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU” được tổ chức bằng hình thức trực tiếp phối hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại trụ sở Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh.
Số lượng cảnh báo tăng gấp đôi
Xuất khẩu vào thị trường EU nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng ngày càng có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Đây là thị trường lớn, với hơn 450 triệu dân, có nhu cầu cao đối với nông sản, đặc biệt là các mặt hàng như cà phê, hạt điều, tiêu, trái cây nhiệt đới, thủy sản…
Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, xu hướng tiêu dùng xanh, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm có chứng nhận chắc chắn đang mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nhiều loại nông sản đặc thù mà EU không có, như thanh long, xoài, chanh leo, vải, nhãn. Vậy nên đây được coi là lợi thế rất lớn của nông sản nước ta.
Tuy nhiên, EU là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao. Các sản phẩm phải đáp ứng các quy định SPS (kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch, phụ gia thực phẩm…) và TBT (rào cản kỹ thuật thương mại), với dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực phẩm thấp.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá cả, nhưng lại chưa có giá trị gia tăng cao về chất lượng, nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn EU. Quan trọng hơn hết là các quy định mới của EU đối với sản phẩm nông sản chưa được các doanh nghiệp cập nhật đầy đủ.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Một phần nguyên nhân đến từ nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa thực sự đầy đủ. Do EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram, thậm chí thuộc diện xách tay cũng bị kiểm tra.
Nếu hàng hóa vi phạm, không đạt được các quy định của thị trường, EU sẽ lập tức đưa ra cảnh báo. Với nhóm mặt hàng đã bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho phép nhập nhập.
Bên cạnh việc nâng cao các tiêu chuẩn đối với các mặt hàng xuất khẩu, EU còn đưa ra những quy định mang tính riêng biệt. Chẳng hạn, trong năm 2023, quy định về không gây mất rừng (EUDR) được đưa ra, dự kiến áp dụng trong năm nay 2025.
Trong đó, nếu sản phẩm được sản xuất, chế biến tại các khu vực có nguy cơ gây mất rừng, EU sẽ từ chối nhập khẩu. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến 3 ngành hàng thế mạnh của nông nghiệp, gồm gỗ, cà phê và cao su.
Cần sự phối hợp liên ngành
Với những yêu cầu cấp bách, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU”.
Với sự tham gia của các Cục: Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi; Thú y; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các cơ quan chuyên môn của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX sản xuất. Hội nghị sẽ thông tin, phổ biến, hướng dẫn việc cập nhật và thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn những thay đổi, dự thảo quy định của các quốc gia thành viên WTO là nhiệm vụ thường xuyên của Văn phòng.
Đây là cách để đơn vị được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối thông tin về minh bạch thông tin thị trường, các biện pháp kiểm dịch động thực vật hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất khẩu nắm bắt quy định thị trường, đảm bảo hoạt động giao thương vào EU.
“Giai đoạn đầu khi Việt Nam mới gia nhập EU vào năm 2005, có những năm phía bạn đưa ra tới 600 cảnh báo. Nhưng sau khi triển khai hỗ trợ một cách đồng bộ, việc tuân thủ các yêu cầu về nông sản thực phẩm đã được nhận thức và thực hiện một cách chuẩn chỉ hơn”, ông Hòa chia sẻ.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch tin tưởng hội nghị sẽ là diễn đàn cung cấp thông tin và trao đổi, tìm giải pháp. Ảnh: Tùng Đinh.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, hội nghị không chỉ là diễn đàn cung cấp thông tin mới nhất về các quy định an toàn thực phẩm của EU, mà còn là cơ hội để chúng ta trao đổi, tìm ra giải pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích lâu dài của nông sản Việt Nam.
Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam – cơ quan thường trực Diễn đàn kết nối 970 của Bộ NN-PTNT, đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, tổ chức thành công hàng trăm sự kiện, diễn đàn trong nước và quốc tế, nhằm kết nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về thị trường nông sản; cũng như cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin, tiêu chuẩn và quy định của EU nói riêng và các thị trường xuất khẩu quốc tế nói chung.
Với những thành quả đã đạt được nói trên, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch tin tưởng rằng, với quyết tâm từ Chính phủ, Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự chủ động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng và bà con nông dân trên khắp cả nước, chúng ta sẽ kịp thời điều chỉnh sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường không chỉ của EU mà trên toàn thế giới, giúp nâng cao vị thế nông sản Việt Nam; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, trách nhiệm, bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn