
Khu vực chờ thu mua mía nguyên liệu trước cổng Công ty Mía đường Cao Bằng. Ảnh: Quang Linh.
Thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) là điểm cuối của Quốc lộ 3 và cũng là điểm cuối của sông Bằng Giang trên lãnh thổ Việt Nam. Thị trấn có cặp cửa khẩu Tà Lùng – Thủy Khẩu và là cửa khẩu chính của tỉnh Cao Bằng. Ngoài lợi thế về mặt giao thương biên mậu, nơi đây còn có bề dày lịch sử về ngành sản xuất mía đường của khu vực. Tại thị trấn Tà Lùng, mía không chỉ là cây trồng tạo sinh kế ổn định cho nông dân miền biên viễn mà theo năm tháng đã giúp bà con nơi đây có cuộc sống khá.
Thời 1kg đường đổi 1kg gạo
Gắn bó với cây mía từ lúc sinh ra tới hiện tại, ông Lý Văn Phương, sinh năm 1971, trú tại tổ dân phố Pác Phéc (thị trấn Tà Lùng) luôn nhắc về sự thay da đổi thịt của quê hương nhờ cây mía.
“Từ thế hệ bố mẹ tôi đã gắn bó với cây mía rồi. Ngày ấy trồng mía để ép đường phên thủ công rồi mang ra chợ bán. Lúc đó tiêu thụ đường phên rất khó vì cả làng cùng làm. Đường bị dư thừa rất nhiều mà không vận chuyển đi xa được, tính ra 1kg đường mới đủ mua 1kg gạo nên cuộc sống khó khăn lắm, phải ăn ngô, cháo bẹ thay cơm”, ông Phương nhớ lại.

Ông Lý Văn Phương chuẩn bị mía giống cho vụ mới. Ảnh: Quang Linh.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, không chỉ gia đình ông Phương mà cuộc sống của nông dân trồng mía vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Bước ngoặt chỉ tới khi Công ty Mía đường Cao Bằng được xây dựng vào năm 1995 và hoàn thành, đi vào hoạt động vào cuối năm 1997 với công suất thiết kế ban đầu 700 tấn/ngày.
Bà con nơi đây nói rằng khi xuất hiện nhà máy đường thì mới biết đến chuyện ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản thay vì phải chờ thương lái tới tận vườn thu mua hoặc tự ép đường phên. Nông dân có thể yên tâm sản xuất, nhà máy sẽ thu mua mía nguyên liệu đúng với giá đã ký kết ban đầu, thoát cảnh được mùa mất giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác để tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất. Nhờ đó, người dân không còn phải vay lãi ngân hàng để đầu tư chi phí đầu vào.

Căn nhà hai tầng khang trang của gia đình ông Lý Văn Phương. Ảnh: Quang Linh.
Doanh nghiệp là “bà đỡ”
Liên kết sản xuất với nhà máy đường, ông Phương và vợ từ hai bàn tay trắng đã có đủ điều kiện để nuôi 3 người con khôn lớn và xây được căn nhà khang trang trị giá 500 triệu đồng vào năm 2009.
“Nếu không có nhà máy đường thì không ai dám trồng nhiều tới cả ha mía. Bởi nếu ép thủ công mình chỉ làm được trên dưới chục tấn mía, nhưng nay đã có nhà trồng tới trăm tấn, nghìn tấn. Cả khu phố này đều trồng mía, từ chỗ nghèo đói phải ở trong nhà đất nay đã xây được nhà cao cửa rộng, nuôi con cái khôn lớn”, ông Phương cho hay.
Gia đình ông Phương hiện đang canh tác 1,4ha mía, năng suất mỗi vụ lên tới gần 70 tấn/ha. Trừ chi phí, lão nông này có thể thu lãi tới 110 triệu đồng mỗi vụ.
Ông Phương chia sẻ, mức thu nhập từ việc trồng mía tại vùng biên giới như vậy không chỉ khá cao so với các công việc khác mà còn ổn định nhờ được nhà máy thu mua với giá cam kết ban đầu.
“Canh tác nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày xưa, năm được mùa thì mất giá do nguồn cung dư thừa, năm giá cao thì sản lượng lại ít do thời tiết không ủng hộ hoặc bị sâu bệnh hại. Từ khi có nhà máy mía đường đóng chân trên địa bàn, chúng tôi như có thêm người đồng hành, chia sẻ rủi ro. Việc thu mua mía nguyên liệu được ký kết từ đầu vụ, bà con được nhà máy hỗ trợ ứng trước giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại nên an tâm sản xuất, thu nhập ổn định”, ông Phương phân tích.
Hiện nay, Công ty Mía đường Cao Bằng đang ứng trước trước tiền giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho các hộ liên kết sản xuất khoảng 13,5 tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất mía đường, ông Phương cho rằng tư duy sản xuất của nhiều bà con vẫn còn “tham bát bỏ mâm”, không liên kết sản xuất với nhà máy mía đường, lúc giá cao thì tự bán cho thương lái, lúc giá xuống lại than bị ép giá. Là người có nhiều kinh nghiệm, ông Phương cho rằng nông dân nên chú trọng tới chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ thay vì phải thấp thỏm từ vụ này sang vụ khác.

Khu bốc xếp mía nguyên liệu của Công ty Mía đường Cao Bằng. Ảnh: Quang Linh.
“Có nhà máy tinh luyện đường thì mới có chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ cho nông dân. Những yếu tố đó cộng lại mới phát triển được vùng nguyên liệu mía đường rộng lớn như hiện nay tại huyện Quảng Hoà. Với những lợi ích đã được minh chứng, mong rằng nông dân và doanh nghiệp sản xuất sẽ bắt tay thật chặt để xây dựng chuỗi liên kết mía đường bền vững”, ông Phương tâm sự.
Theo ông Đàm Đình Đạo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Hòa, để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, địa phương thường xuyên tăng cường sử dụng giống mới có năng suất cao; hướng dẫn bà con nông dân sản xuất đúng thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, xây dựng, theo dõi đánh giá các mô hình trình diễn giống mía mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt cũng như các mô hình liên kết sản xuất mía. Tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng theo hướng sản xuất hàng hoá. Song song đó, điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh để khuyến cáo bà con kịp thời có các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tư vấn nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác mía an toàn và hiệu quả, quản lý tốt việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
“Xây dựng vùng nguyên liệu mía đường quy mô lớn, có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành mía đường tại địa phương có phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay của nông dân, đồng hành của doanh nghiệp”, ông Đạo chia sẻ.
Ông Đạo cũng kiến nghị doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ người dân về khâu tư vấn kỹ thuật, chia sẻ rủi ro về giá thu mua mía. Đồng thời đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm phụ từ cây mía quy mô tập trung khép kín để giảm giá thành.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện Quảng Hòa, trong năm 2024, diện tích tích mía nguyên liệu trên địa bàn đạt 2.504ha (diện tích mía lưu gốc 1.863ha, trồng mới 641ha), năng suất 70,5 tấn/ha, sản lượng 176.532 tấn – đạt 103% kế hoạch, vượt 3% so với năm 2023.
Nguồn: nongnghiep.vn