Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học đất, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải đi theo để phát triển bền vững, hiệu quả.
“Cuộc cách mạng xanh khởi đầu từ hơn 4 thập kỷ qua đã tạo ra một bước đột phá về năng suất và sản lượng trong nông nghiệp, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc phòng trừ bệnh hại cây trồng, các nhóm thuốc trừ cỏ dại…
Hầu hết đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện tại có phản ứng chua (pH < 6,0); nghèo các dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, đặc biệt là các chất dễ tiêu; nhiều vùng đất bị thoái hóa, giảm sức sản xuất; xuất hiện nhiều yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất cây trồng; cân bằng dinh dưỡng không ổn định và chuyển dịch theo hướng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất gây nhiều bất lợi cho sự phát triển của cây trồng; phát triển nhiều dịch hại trong đất và trên cây trồng theo hướng xấu…
Như vậy, rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn được các yêu cầu và quy chuẩn của IFOAM, USDA và các tổ chức hữu cơ khác”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nêu thực tế.
TS Nghĩa phân tích, sản xuất theo hướng hữu cơ là giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV gốc hóa học, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ để nông sản an toàn hơn, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp theo hướng số lượng sang chất lượng; môi trường đất khỏe hơn, tốt hơn, giàu dinh dưỡng hơn nếu sản xuất theo hướng hữu cơ.
TS Nghĩa cho rằng, để cân đối giữa phân bón hữu cơ và vô cơ, cứ bón 1kg phân vô cơ cần bổ sung thêm 3kg phân hữu cơ. Tuy nhiên, sản lượng phân hữu cơ sản xuất tại Việt Nam hiện còn quá nhỏ so với yêu cầu của sản xuất thực tiễn. Do đó, cần phải có chiến lược để sản xuất, cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng phân hữu cơ.
“Chính phủ cần sớm có nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như có chính sách dành riêng cho từng đối tượng như nông dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến nghị.
Cũng theo TS Nghĩa, cần khuyến khích các bếp ăn tập thể, căng tin, các nhà hàng, trường học, bếp ăn quân đội sử dụng nông sản, thực phẩm, rau quả hữu cơ. Nếu cần thiết cũng có thể trợ giá thêm cho nông sản hữu cơ giống như một số quốc gia đã làm.
“Việt Nam cần sớm có một hệ thống chứng nhận có tính pháp lý, uy tín và đáng tin cậy được nước ngoài chấp nhận. Như vậy sẽ thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường. Chúng ta cũng cần tham gia với tư cách thành viên của hệ thống NETWORK về sản xuất hữu cơ của thế giới và khu vực như IFOAM, IFFOAM ASIA, ALGOA”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói.
Song song đó, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, TS Nghĩa cho rằng, cần phải có quy hoạch vùng, ranh giới cho các diện tích nông nghiệp hữu cơ để tránh nhiễm chéo từ các khu sản xuất nông nghiệp truyền thống và ô nhiễm bởi các nhà máy trong các khu công nghiệp. Các hệ thống thông tin, tuyên truyền từ trung ương tới địa phương cũng cần thông hiểu đúng, đủ để kịp thời phổ biến cho mọi người biết và sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Vẫn có tình trạng nhiều cán bộ kỹ thuật hiểu sai là thuốc BVTV hữu cơ, đó là điều rất sai lầm. Hiện nay chỉ có phân bón hữu cơ, thuốc BVTV hóa học và thuốc BVTV sinh học, không có thuốc BVTV hữu cơ”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói và mong rằng, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền nhiều hơn, làm rõ, cũng như thay đổi nhận thức của lãnh đạo, nhận thức của địa phương, nhận thức của nông dân và nhận thức của chính người tiêu dùng về canh tác theo hướng hữu cơ, về nông sản hữu cơ.
“Trên thế giới, nông sản hữu cơ mới chỉ chiếm khoảng 10%. Thực phẩm an toàn chỉ cần canh tác theo hướng hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Còn để đạt được chứng nhận nông sản hữu cơ của các tổ chức quốc tế thì phải có sự đầu tư về nguồn lực, vùng nguyên liệu, với các tiêu chuẩn khắt khe…”, TS Nghĩa nói.
Nguồn: nongnghiep.vn