Viện Quy hoạch Thủy lợi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) giao chủ trì xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QÐ-TTg ngày 14/7/2023. Trong đó có danh mục xây dựng đập dâng ở hạ lưu cống Xuân Quan (thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải) trên sông Hồng và hạ lưu cống Long Tửu (thuộc hệ thống Bắc Đuống) trên sông Đuống. Việc nghiên cứu xây dựng các đập dâng hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng lấy nước phục vụ nông nghiệp trong giai đoạn mùa kiệt.
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi cho biết, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát, tính toán với chiều cao đập khoảng 2,5 m có thể đảm bảo cho cống Xuân Quan, cống Liên Mạc lấy nước bình thường. Nhưng phạm vi tác động hẹp, chỉ khoảng 20 km tính từ vị trí xây đập đến thượng lưu. Nếu xây dựng đập ở ví trí cao hơn 5 – 6m thì tác động toàn bộ từ vị trí xây dựng đập cho đến trạm bơm Đại Định (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và giải quyết được việc lấy nước, đảm bảo công suất thiết kế tất cả các công trình thủy lợi nằm trong phạm vi.
Cùng với đó, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi cũng đã đi khảo sát đưa các vị trí đập về phía hạ du. Ví dụ như tại vành đai 4 – hạ lưu trạm bơm Hồng Vân và sông Đuống tại cầu Phù Đổng. “Tuy nhiên, lựa chọn ví trí nào, quy mô cao trình cần khảo sát kỹ lưỡng hơn trong giai đoạn tiền khả thi, lập dự án cũng như thiết kế xây dựng”, ông Thành chia sẻ thêm.
Về vấn đề xây dựng đập dâng, GS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, từ trước đến nay đã có nhiều đập dâng nước được đưa vào sử dụng. Trong đó có thể kể đến đập Cầu Sơn (trên sông Cầu, thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); đập Viễn Sơn (thuộc sông phó Đáy, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc); đập Bái Thượng (thuộc sông Chu, tỉnh Thanh Hoá)…Tất cả các đập thông thường đều có nhiệm vụ dâng nước hoặc phục vụ giao thông.
“Dâng nước đương nhiên là đáp ứng các yêu cầu về chủ động lấy nước để cung cấp cho các ngành kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhưng về tác dụng phụ, khi nói đến đập ngăn sông thì ai cũng nghĩ ngay đến việc thoát lũ một con sông như thế nào cho đảm bảo. Thứ hai, sông thường có giao thông thuỷ nên sẽ có thể bị ảnh hưởng. Thứ ba, luồng di chuyển của cá cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Tất cả đều cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khoa học công nghệ hiện nay có thể giải quyết được những vấn đề đó”, GS Học khẳng định.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ lợi, các đập dâng nước là những công trình phục vụ đa mục tiêu:
– Đảm bảo dâng nước cho các công trình thủy lợi dọc sông có thể lấy được nước, kể cả trong trường hợp các hồ chứa xả nước bình thường.
– Làm sống lại các con sông trong các hệ thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, như sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ…
– Tạo cảnh quan cho các con sông, đặc biệt là sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đây là quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai. Quy hoạch có nhiều quan điểm, định hướng và nội dung mới mà các quy hoạch liên quan đến thủy lợi, phòng chống thiên tai trước đây còn thiếu, hoặc chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong tương lai.
Theo đó, các công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch đều được xem xét giải quyết những tồn tại, thách thức đối với công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai trong bối cảnh hiện nay và tương lai như: An ninh nguồn nước quốc gia đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức; biến đổi khí hậu, mưa, lũ cực đoan, nắng nóng kéo dài. Bão, lũ, mưa lớn gia tăng về cường độ, tần suất. Nước biển dâng và sụt lún đất có nguy cơ làm ngập các đồng bằng và thành phố lớn trên toàn quốc; phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi ngày càng cao mức độ bảo vệ trước các loại hình thiên tai.
Hơn nữa, những công trình, dự án đề xuất trong quy hoạch được chú trọng đến bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, kiểm soát chất lượng nước, quản lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.
Quy hoạch cũng đề xuất chú trọng các giải pháp phi công trình, như: Bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng phòng hộ để tạo nguồn sinh thủy, trồng rừng ngập mặn, cây chắn sóng vùng cửa sông, ven biển chống sạt lở; quản lý khai thác, vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch sử dụng nước, dự báo xâm nhập mặn; cảnh báo, dự báo, quản lý rủi ro thiên tai…
Nguồn: nongnghiep.vn