Người dân có trách nhiệm tham gia ứng cứu hộ đê
Chia sẻ về vai trò, trách nhiệm bảo vệ và xử lý sự cố đê điều, ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý Đê điều (Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai) cho biết: Do đặc điểm hệ thống đê điều là tài sản của toàn dân, do đó công tác quản lý, bảo vệ và xử lý sự cố đê điều là là trách nhiệm của nhà nước và nhân dân, mang tính chất cộng đồng xã hội.
Trong Luật Đê điều quy định rõ: Tổ chức cá nhân phát hiện sự cố đê điều thì phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền để triển khai các biện pháp ứng cứu hộ đê. Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của người dân tham gia ứng cứu hộ đê khi được cơ quan có thẩm quyền huy động, bao gồm cả việc cung cấp vật tư, sức người, của cải kịp thời.
Đối với lực lượng quản lý đê chuyên trách, ngoài việc thường xuyên bám tuyến, bám địa bàn, ngay trước mùa mưa lũ phải rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro, xác định phương án kỹ thuật để xử lý. Và khi sự cố đã xảy ra rồi thì phải tham mưu các cấp, người có thẩm quyền quyết định tại hiện trường để đưa ra các phương án trúng và đúng nhất, đảm bảo vừa hiệu quả vừa không gây lãng phí, tốn kém.
Đặc biệt, công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê là rất quan trọng. Thực hiện quy định của Luật Đê điều, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 01 về tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ. Theo đó, UBND cấp xã tại từng xã có đê phải thành lập lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê. Khi có lũ lên, theo từng cấp báo động thì phải thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác, kiểm soát lượt đi lượt về, ban đêm ban ngày,… để kịp thời phát hiện và xử lý.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về đê điều, công tác đào tạo, tập huấn liên quan đến việc xử lý hộ đê cũng được Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng như Bộ NN-PTNT hết sức quan tâm, chú trọng.
Ngoài việc tổ chức các hội nghị về Phòng, chống thiên tai các vùng miền; hội nghị phòng, chống thiên tai toàn quốc; Cục còn tổ chức 2 hội nghị về quản lý đê điều hết sức quan trọng, đó là: Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện có đê với khoảng 180 người được mời đến tham dự để cùng cập nhật các quy định mới của pháp luật, trao đổi kinh nghiệm và trách nhiệm về việc quản lý, xử lý hộ đê trên địa bàn. Bên cạnh đó, hàng năm Cục còn tổ chức hội nghị tập huấn cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê với khoảng 1.000 cán bộ, kiểm soát viên đê điều ở các địa phương.
Diễn tập hộ đê trước mùa mưa bão
Ngoài ra, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với các cơ quan để tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát viên đê điều thông qua việc thi nâng ngạch lên kiểm soát viên chính,… qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng này.
Bên cạnh các hội nghị, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức diễn tập ở các cấp, nhất là các địa phương. Hàng năm trước mỗi mùa mưa bão, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản diễn tập phương án hộ đê cụ thể, thiết thực thông qua việc giả định tình huống, từ đó triển khai vật tư, nhân lực, phương tiện và xử lý trực tiếp tại hiện trường. Những nội dung tập huấn, diễn tập hộ đê là hết sức quan trọng.
Theo ông Trần Công Tuyên, diễn biến tình hình thiên tai bão lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và trái quy luật. Đôi khi có trường hợp không phải mùa lũ nhưng xảy ra lũ, lũ xuất hiện sớm,… Do đó, chúng ta cần luôn luôn phải đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, hộ đê phải theo phương châm “4 tại chỗ” và nhân lực luôn luôn phải sẵn sàng.
Hàng năm các địa phương đều thành lập các lực lượng tham gia xử lý hộ đê trên địa bàn và lực lượng tuần tra canh gác, tuy nhiên qua công tác kiểm tra và quản lý, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai nhận thấy lực lượng này đang bị mai một. Trong điều kiện phát triển kinh tế như hiện nay, lực lượng thanh niên, trung niên ở các vùng quê đi làm ăn xa rất nhiều, tuy trên danh sách có tên nhưng việc huy động lại rất khó khăn.
Thứ hai là kinh nghiệm trong công tác xử lý hộ đê chưa nhiều do nhiều năm qua không xảy ra lũ lớn, xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân và chính quyền địa phương. Vấn đề khó khăn nữa là tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến rất nghiêm trọng, xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, có thể gây nguy hại đến những tuyến đê.
Nguồn: nongnghiep.vn