Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang trong những bước chỉnh lý, hoàn thiện cuối cùng trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo. Với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tác động của dự thảo Luật này có thể được nhìn nhận qua một số nội dung chính sau:
1. Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp lần đầu được luật hóa sẽ thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn hơn
Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp sẽ cho phép người sử dụng đất nông nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp được cùng nhau tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp thông qua một số hình thức như hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, chuyển đổi hoặc thuê quyền sử dụng đất nhưng quan trọng và khác với tích tụ đất nông nghiệp là không làm mất đi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Điều này, tạo tâm lý yên tâm cho người sử dụng đất nông nghiệp, hạn chế việc giữ đất nông nghiệp như là “vật bảo hiểm cuối cùng” của một số bà con nông dân khi không có nhu cầu sử dụng đất, để đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả hơn.
Các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn hơn cùng với các hình thức hợp tác sản xuất nông nghiệp sẽ dần được hình thành và phát triển.
Quy mô diện tích, quy mô sản xuất thay đổi sẽ tác động đến định hướng phát triển sản xuất trồng trọt như việc hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi, quản lý và cấp mã số vùng trồng trong nước và xuất khẩu…
2. Mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp góp phần thúc đẩy đầu tư vào sản xuất nông nghiệp
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân (khoản 1 Điều 178); Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất theo quy định (khoản 7 Điều 45); Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận (khoản 6 Điều 45).
Việc chuyển nhượng đất nông nghiệp từ cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức được thực hiện sẽ hình thành nhiều chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, không còn chỉ là bà con nông dân tự làm nữa mà dần sẽ được mở rộng sang các chủ thể khác như kỹ sư, doanh nhân, nhà khoa học, chuyên gia, những người đam mê với nghề nông… khi họ có cơ hội tiếp cận đất nông nghiệp, từ đó sẽ hình thành các tổ chức kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.
Thông tin số liệu đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sẽ được dự liệu thông qua các phương án sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp do UBND cấp huyện chấp thuận. Có thể từ đây quy mô nhỏ lẻ, manh mún – lời nguyền của ngành nông nghiệp sẽ dần được xóa bỏ – tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, sản xuất có trách nhiệm sẽ có dư địa để phát triển.
3. Người sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng đất đa mục đích, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, đất trồng lúa chính thức được ghi nhận tại Luật Đất đai sửa đổi – thêm cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp cho các chủ thể.
Thời gian qua với các chính sách của Chính phủ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp gia tăng thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, ví dụ như chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm.
Bên cạnh quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dự thảo luật lần này cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi vật nuôi, sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, được sử dụng một phần đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là căn cứ pháp lý quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhiều địa phương, khu vực, vùng sẽ có định hướng phát triển nông nghiệp, kinh tế trang trại kết hợp thương mại, du lịch, dịch vụ…
4. Bổ sung đất chăn nuôi tập trung tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn
Đất chăn nuôi tập trung đã được chính thức ghi nhận tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, tại Điều 184 đã quy định: “Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi. Tổ chức kinh tế, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung”.
Có quy định đất chăn nuôi tập trung sẽ là căn cứ để các địa phương bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao; là đòn bẩy để thúc đẩy các doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư, kinh doanh, mở rộng quy mô, mô hinh chăn nuôi; là điều kiện cần để thực thi các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 trong việc bố trí quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung, đảm bảo các cơ sở chăn nuôi di dời ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
5. Sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017 để tiếp tục tạo động lực, cơ hội cho phát triển giá trị đa dụng của rừng
Tại Điều 257 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp để quy định rõ một số hoạt động được phép sử dụng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như: Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Chủ rừng được tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với rừng sản xuất cũng được sửa đổi để quy định rõ hơn quyền của chủ rừng tại khoản 4 Điều 60: Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc ghi nhận rõ ràng, cụ thể các quyền của chủ rừng nhất là quyền tự mình hoặc hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng, xây dựng du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội đầu tư phát triển ngành dược liệu nói riêng và phát triển giá trị đa dụng của rừng nói chung. Các nghiên cứu, công trình khoa học, đề tài cần được đầu tư tập trung để phát triển một số nhóm, loài dược liệu quý, bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhượng địa phương.
6. Chuyển mục đích sử dụng rừng, đất được thống nhất giao cho chính quyền địa phương quyết định thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, địa phương phát huy tính chủ động, trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã thống nhất quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng thay vì quy định nhiều cấp quyết định chủ trương như quy định hiện hành. Cụ thể:
Điều 123 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Khoản 5 Điều 258 (sửa đổi Điều 20 Luật Lâm nghiệp) quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và tiêu chí chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với các dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án đầu tư công.
Ngoài ra, thêm một nội dung quan trọng và có ý nghĩa tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này là việc ghi nhận quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó (khoản 3 Điều 31) và được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp vào mục đích khác theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 2 Điều 34).
Việc mở rộng quyền sử dụng đất này sẽ giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành nông nghiệp (nhất là 11 Viện Nghiên cứu trực thuộc Bộ đang quản lý sử dụng khoảng 14.705ha đất) có thêm cơ hội chủ động khai thác, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh với các chủ thể khác, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nông nghiệp đóng góp, cống hiến để phát triển ngành nông nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn