Cỗ máy sinh học làm sạch môi trường
Anh Nguyễn Văn Thật ở ấp Xeo Quao B, xã Nam Thái A, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) vừa thu hoạch xong hơn 3ha lúa luân canh trên nền đất nuôi tôm khiến không ít người ngỡ ngàng. Bởi ruộng nhà anh Thật cũng giống như nhiều hộ dân canh tác theo mô hình tôm – lúa ở đây, sau thời gian dài đưa nước mặn vào nuôi tôm đã bị nhiễm mặn khá nặng, nhiều năm liền không thể trồng lúa.
Anh Thật cho biết, gia đình có 3,3ha đất đã thực hiện chuyển đổi sang sản xuất luân canh một vụ tôm, một vụ lúa (mô hình tôm – lúa) cách đây hơn 20 năm. Do đây là vùng đất gần biển, khi lấy nước biển vào nuôi tôm, những tháng cao điểm mùa khô thường có độ mặn rất cao. Qua nhiều năm, mặn thấm vào trong đất nên dần dần không thể làm lúa được nữa. Nếu có gieo sạ lúa cũng chỉ lên được thời gian ngắn, sau đó chết rụi dần, không có thu hoạch. Vì vậy, nhiều năm liền nông dân ở đây không thể trồng lúa, dẫn đến canh tác mô hình tôm – lúa thiếu bền vững.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện đất nhiễm mặn trong mô hình canh tác tôm – lúa tại Kiên Giang” và phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện An Biên, chính quyền xã Nam Thái A cùng bà con nông dân tổ chức thực hiện. Dự án triển khai trên diện tích 25ha canh tác mô hình tôm – lúa của 14 hộ dân thuộc ấp Xẻo Quao A và Xẻo Quao B. Hộ anh Thật tham gia với diện tích 1,5ha, phần còn lại gia đình tự đầu tư thêm.
Chỉ sau một năm tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật, sử dụng vôi, chế phẩm vi sinh cải tạo đất, kết hợp với trồng cỏ năn tượng để giúp cải tạo môi trường, một số hộ dân đã trồng lúa lại được với năng suất thu hoạch khá. Theo anh Thật, cỏ năn tượng vốn mọc hoang ở các vùng biển ĐBSCL. Loài cây này có khả năng lọc sinh học, tự lấy oxy trong tự nhiên đưa xuống rễ, tạo môi sinh tốt cho tôm, cua, cá trú ngụ, phát triển.
Cải tạo đất nhiễm mặn hiệu quả
Anh Nguyễn Hữu Kha, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật (cán bộ khuyến nông cơ sở) xã Nam Thái A cho biết, toàn xã có 1.162ha đất sản xuất 1 vụ tôm sú, 1 vụ lúa. Do là xã ven biển, lại chịu tác động của biến đổi khí hậu làm mặn xâm nhập cao, dẫn đến hàng năm tỷ lệ gieo sạ chỉ đạt từ 40 – 45% diện tích. Đất bị nhiễm mặn nên năng suất lúa cũng rất thấp, chỉ đạt từ 4 – 4,4 tấn/ha, chất lượng lúa kém… Vì vậy, rất cần có giải pháp giúp nông dân cải tạo đất.
Dự án xây dựng kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm sú kết hợp trồng cỏ năn tượng, ứng dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Qua đó, đã giúp cải thiện vùng đất nuôi tôm bị nhiễm mặn nhiều năm liền không thể canh tác lúa trở lại sản xuất bền vững một vụ tôm, một vụ lúa. Xây dựng chế độ bón phân hợp lý và quản lý dinh dưỡng phù hợp cho cây lúa, phát triển sản xuất tôm – lúa bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng anh Kha, chúng tôi tìm nhổ những bụi cỏ năn tượng đang mọc trên ruộng lúa nhà anh Thật. Theo anh Kha, cây cỏ năn tượng có khả năng chịu mặn rất tốt, bộ rễ ăn sâu xuống đất giúp cải tạo môi trường. Khi độ mặn tăng lên quá cao, chúng sẽ tự rụi dần nhưng không chết, đến mùa mưa năm sau có nước ngọt lại đâm chồi mọc lên, vì vậy chỉ cần trồng một lần có thể duy trì trong nhiều năm. Những bụi cỏ năn tượng ngậm chìm trong nước không chỉ là môi trường trú ngụ của các loài thủy sản, mà rễ non và mầm ngó của nó còn là thức ăn bổng sung cho tôm, cua nuôi.
Với những thông số môi trường được đánh giá là cải thiệt rõ rệt, không chỉ giúp cho việc nuôi tôm, cua đạt hiệu quả hơn, mà còn sản xuất được vụ lúa, tăng thêm thu nhập. Kết quả, năng suất tôm nuôi trong mô hình đạt trung bình gần 420kg/ha, vượt so với yêu cầu mục tiêu đặt ra khoảng 70kg/ha.
Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn thả nuôi xen canh thêm cua biển và cũng mang lại hiệu quả khá cao, thu hoạch đạt năng suất từ 115 – 120kg/ha, cao hơn từ 10 – 20kg/ha so với các hộ ngoài dự án. Vụ lúa dù mới trồng lại được năm đầu nhưng năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha.
Tổng thu từ tôm, cua, lúa trong ruộng tham gia dự án đạt hơn 100 triệu đồng/ha, trong khi chi phí đầu tư sản xuất mô hình tôm – lúa không quá lớn, lợi nhuận ròng thu được có thể đạt từ 60 – 70% so với tổng thu. Nhìn chung, mô hình đã mang lại lợi nhuận kinh tế tương đối cao cho bà con tham trong mô hình.
Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện đất nhiễm mặn trong mô hình canh tác tôm – lúa tại Kiên Giang” do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai đã tập huấn kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật để cải tạo môi trường, sử lý các loại phân, men vi sinh nên đất màu mỡ trở lại. Cụ thể, độ mặn và pH đều giảm so với trước, xử lý nước hiệu quả, tác dụng nhanh hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn