LTS: Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, diễn ra sáng 21/12. Tựa do tòa soạn đặt.
“Cây lúa Việt Nam đã đi học, trưởng thành và thành đạt. Và có thể nói là bây giờ cây lúa Việt Nam vinh quy bái tổ”. Lời phát biểu của một Giáo sư về hành trình cây lúa bản địa luôn sẵn lòng học hỏi, “hội nhập” với thế giới, tự tin về sản lượng, chất lượng, về hương vị thơm ngon khi sánh vai với các quốc gia có thế mạnh về lúa gạo, đã ít nhiều chuyển tải sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết giữa ngành Ngoại giao với ngành Nông nghiệp.
Hay như sự kiện ý nghĩa vừa mới diễn ra tại tỉnh Hậu Giang. Theo dự định ban đầu, địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Festival Ngành hàng lúa gạo. Và với hai từ “quốc tế”, theo gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, Festival ngay tức khắc được nâng tầm về chất lượng, quy mô, tầm vóc. Cây lúa, hạt gạo Việt Nam trở nên gần gũi hơn, sinh động hơn với đối tác, bạn bè quốc tế.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành và trân trọng đến Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã nhiệt tình hỗ trợ giới thiệu, quảng bá cho Festival, gửi lời mời tham dự đến đại biểu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng về với Hậu Giang, Việt Nam.
Triển khai Chỉ thị 15 về công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, về tăng cường phối hợp liên ngành, đồng thời, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ; tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT đã ký kết kế hoạch hành động về ngoại giao kinh tế thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp.
6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
– Mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản.
– Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp.
– Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá các sản phẩm.
– Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy các hình thức hợp tác mới.
– Truyền thông, quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản.
– Nghiên cứu, tham mưu, thông tin hỗ trợ ngành Nông nghiệp.
Hiện nay, thông tin kết nối giữa hai ngành Ngoại giao và Nông nghiệp luôn được cập nhật nhanh chóng, liên tục và xuyên suốt, qua đa dạng các kênh trao đổi công việc. Tôi luôn trân trọng những chia sẻ, hiến kế từ các Đại sứ và cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. Những thông tin quý về nhu cầu nông sản ở các thị trường tiềm năng, về xu thế tiêu dùng thế giới, về các cam kết xanh toàn cầu, giúp cho cá nhân tôi và cơ quan chuyên môn của Bộ có thêm căn cứ quan trọng, để kịp thời ghi nhận, điều chỉnh, đáp ứng các chuyển động theo xu hướng mới của thế giới.
Lần giở sử sách, không chỉ đại diện cho triều đình, đất nước, ngoài thực hiện nhiệm vụ bang giao, nhiều vị sứ thần Việt Nam còn chịu khó tìm tòi, học hỏi những nghề thủ công để về truyền lại nhân dân, rồi trở thành những vị “tổ nghề” được nhân dân thờ phụng.
Tại Thường Tín, Hà Nội, người dân vẫn tưởng nhớ Ông tổ nghề thêu chung của nhiều làng nghề thêu miền Bắc. Giai thoại lưu truyền, Tiến sĩ Lê Công Hành bị kiềm giữ nơi lầu cao, ở đó, ông đã tỉ mẩn dỡ từng đường chỉ thêu trên tấm nghi môn để tìm hiểu cách thêu và cách làm lọng. Sau khi về nước, ông đã đem nghề thêu về dạy cho dân làng Quất Động quê nhà, rồi dần phát triển đến các làng khác.
Sứ thần thời xưa mang về nghề thủ công. Đại sứ ngày nay cũng có thể mang về những mô hình, kiến thức, tinh hoa nông nghiệp của các đất nước đi trước về làm giàu cho làng quê và bà con nông dân chúng ta.
Ấn phẩm đặc san của Báo Thế giới và Việt Nam chào mừng Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, giới thiệu bài viết với tiêu đề rất đáng suy nghĩ: “Một thế giới đang chuyển mình”.
Ngoài kia gió đang thổi. Tư duy, góc nhìn, cách thức tiếp cận luôn rộng mở và tích hợp điều mới, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tương ứng với xu thế phát triển. Phải chăng, đã đến lúc, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao đa phương, đa kênh… đón chào “người bạn đồng hành mới”: Ngoại giao Nông nghiệp – Ngoại giao gắn với thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực – thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng?
Qua các dịp tham gia sự kiện đối ngoại, tôi ấn tượng sâu sắc với hình ảnh những lãnh đạo đứng đầu đất nước, địa phương say sưa, tự hào giới thiệu về từng trái quýt, quả nho. Hình như ở nhiều quốc gia, tư duy thị trường, tiếp thị, tư duy quảng bá, đối ngoại, không phân biệt giữa doanh nghiệp, nông dân hay bộ máy Nhà nước. Hình như không chỉ là thương mại nông sản, mà thông qua đó, là giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, hình ảnh đất nước. Thương hiệu quốc gia cũng có thể được kiến tạo từ cách tiếp cận hình ảnh nông nghiệp, nông sản của đất nước.
Và tự hào thay, nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ làng nghề nông thôn Việt Nam, vinh dự là quà tặng đối ngoại cấp cao, được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng đến bạn bè quốc tế, gửi gắm thông điệp: “Nông nghiệp Việt Nam: Hội tụ giá trị – Lan tỏa văn hóa”.
Nguồn: nongnghiep.vn