Một năm nhiều thách thức
Do ảnh hưởng tình hình suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn khiến cho nhiều đơn hàng bị cắt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, DN phải cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ… làm giảm lợi nhuận và rủi ro cao.
Song, với nỗ lực vượt khó và chủ động ứng phó với thị trường, nhiều DN chế biến xuất khẩu của tỉnh đã năng động vượt qua bằng việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học, nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể nói, tình hình xuất khẩu hàng hóa năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực và thế mạnh của con tôm xuất khẩu tiếp tục được phát huy. Trong 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 69 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 619 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu hơn 25,8 tỷ USD.
Tại Bạc Liêu, ước đến cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản thực hiện hơn 95.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh gần 92.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu thủy sản tuy có tăng trưởng, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều: Tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính – đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, năm nay xuất khẩu thủy sản của tỉnh cán đích 1 tỷ USD. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các DN chế biến thủy sản, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ sản xuất lạc hậu sang công nghệ tiên tiến. Tổ chức liên kết với các DN giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn.
Đồng thời, ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Chuỗi giá trị liên kết
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” để thực hiện thành công nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm trong thời gian tới, tỉnh xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính, từ đó khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ.
Quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông – thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng, nhất là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn…
Theo ông Ly, hiện nay, phần lớn các DN chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất tôm đông và chủ yếu là xuất thô, mang lại giá trị không cao. Vì vậy, sang năm 2024, các DN cần quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đa dạng các mặt hàng để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất nguyên liệu thô với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.
Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Phát triển 3 trụ cột chính
Bạc Liêu vừa công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn 2050. Trong đó, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính: công nghiệp năng lượng tái tạo, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch. Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng.
Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng ĐBSCL.
Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch. Sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản.
Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng ĐBSCL. Tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu. Còn với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ.
Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới như: Hydro xanh, Amoniac xanh… Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Nguồn: nongnghiep.vn