Đến nay, nông sản Việt Nam có nguồn gốc thực vật đã được xuất khẩu đi gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, sắn… đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.
Thêm vào đó, công tác đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường đã được tích cực đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây, từ đó mở ra nhiều thị trường mới, tiềm năng và có giá trị cho nông sản Việt Nam.
Người nông dân cần cập nhật liên tục quy định thị trường EU
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết một cách căn cơ để hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, trong đó phải kể đến việc tiếp cận thông tin về quy định của EU của doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về thực trạng tiếp cận thông tin quy định về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và kiểm dịch thực vật đối với nhà sản xuất Việt Nam, nhà báo Trịnh Bá Ninh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, người nông dân cần cập nhật liên tục thông tin, quy định của thị trường EU, nhưng quan trọng nhất là những nhà xuất khẩu phải luôn định hướng cho người nông dân sử dụng loại thuốc BVTV có trong danh mục kiểm định của thị trường EU.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên cung cấp thêm thông tin cho nông dân và giải thích cặn kẽ cho bà con quy định xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.
App “Sẵn sàng xuất khẩu” giúp tìm kiếm thông tin dễ dàng
Để trang bị kiến thức cho bà con nông dân về những quy định kiểm dịch thực vật tạị thị trường EU, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã xây dựng và triển khai Chương trình ‘Sẵn sàng xuất khẩu’ với quyết tâm thay đổi cách tiếp cận chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật nhằm đón đầu, dành thế chủ động để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện pháp lý và kỹ thuật, tận dụng các cơ hội, tăng lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt, nâng tầm nông sản Việt Nam tại thị trường EU.
Qua đó, người nông dân và nhà sản xuất nông sản có thể tìm kiếm thông tin về quy định xuất khẩu vào thị trường EU bằng cách truy cập vào trang web sansangxuatkhau.ppd.gov.vn.
Là một nông dân trồng vải ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, chị Quách Thị Phượng cho biết, từ khi sử dụng app ‘Sẵn sàng xuất khẩu’ đã giúp công việc xuất khẩu sản phẩm vải của chị Phượng dễ dàng hơn.
“Từ khi có app “Sẵn sàng xuất khẩu”, tôi đã chủ động hơn, tự tin hơn, một số thông tin tôi có thể tự xem để thực hiện theo đúng quy trình, sẵn sàng cho các yêu cầu của các đơn vị cũng như các nước thu mua mặt hàng nông sản”, chị Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) ra mắt phiên bản điện tử của cuốn sách quy định về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật đối với hàng nhập khẩu. Dù ở bất cứ đâu, người dân có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu chia sẻ, cuốn sách là một kênh thông tin dễ tìm kiếm, dễ cập nhật, không chỉ đơn giản chỉ đọc trên chữ mà còn minh họa bằng hình ảnh rất là cụ thể, tạo sự hứng thú cho tất cả mọi người muốn tìm kiếm thông tin.
Việc ban hành các bộ tài liệu qua nền tảng online có hệ thống giúp người nông dân và nhà sản xuất có thể chủ động tiếp cận thông tin, đáp ứng được những quy định luôn thay đổi của thị trường EU.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, nhà sản xuất phải bắt đầu tìm hiểu thông tin từ khâu bắt đầu sản xuất
“Với thị trường khó tính như EU, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động tìm hiểu thông tin quy định từ khi bắt đầu giai đoạn sản xuất ra hàng hóa, từ đó giành thế chủ động, giúp việc xuất khẩu hàng hóa không gặp rào cản”, ông Hiếu cho biết thêm.
Hiểu rõ quy định thị trường EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật là chìa khóa để tiếp cận thành công thị trường này. Bên cạnh đó, có rất nhiều tài liệu thực hành hướng dẫn nông dân, nhà sản xuất để có thể tìm hiểu, qua đó xây dựng được vùng sản xuất đảm bảo các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, giúp nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế.
Nguồn: nongnghiep.vn